Cần nhanh chóng giao phà Vàm Cống để An Giang duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân

Ngày 30-6, phà Vàm Cống chính thức dừng hoạt động, theo quyết định của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường. Việc tạm dừng hoạt động phà Vàm Cống đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, giao thương, mua bán của bà con nhân dân không chỉ 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mà cả các tỉnh lân cận. Dù việc dừng hoạt động phà sau khi thông xe cầu Vàm Cống đã có kế hoạch từ trước, nhưng việc bàn giao tài sản, bến bãi… để chính quyền địa phương tiếp quản, tính toán việc duy trì hoạt động phà lại ì ạch từ các bộ, ngành Trung ương.

Có mặt tại Bến phà Vàm Cống ngày 30-6 và 1-7, dù đã có bảng thông báo “Phà Vàm Cống dừng hoạt động vào lúc 9 giờ ngày 30-6-2019”, nhưng theo quan sát vẫn còn rất nhiều khách đi xe môtô, một số xe ôtô vẫn chạy xuống tận cổng phà và thất vọng quay đầu chạy về hướng cầu Vàm Cống. Một số khách dừng lại hỏi nhân viên ngồi trực với tâm trạng đầy hy vọng: “Khi nào phà hoạt động trở lại?” và nhận được cái lắc đầu không biết.

Người dân 2 bên bờ rất bức xúc bởi trong thời gian tạm ngưng hoạt động, không phương tiện thay thế thuận tiện, công nhân phải đi đò nhỏ hết sức nguy hiểm, lỡ xảy ra tai nạn ai chịu trách nhiệm? Lẽ ra phải xử lý phương án, giáp mối liền ngay sau khi có quyết định dừng hoạt động của Cụm phà Vàm Cống và phải bàn giao ngay cho địa phương tiếp quản.

Tội nhất là những người lao động mua gánh bán bưng, lực lượng xe đẩy hàng hóa không đi phà Vàm Cống được dẫn tới điều kiện mưu sinh vất vả hơn, họ buộc phải thay đổi sinh hoạt, điều kiện sinh sống, nơi mua bán. Những lao động nghèo, thu nhập thấp không thể chạy chiếc xe đạp cọc cạch, vòng hoặc dắt lên cầu Vàm Cống mấy chục cây số để qua bờ An Giang và ngược lại để mưu sinh hoặc tới các công ty, xí nghiệp. Thậm chí, những người đội mâm bánh cam, xôi, bàn cà phê dạo... ở khu vực phà phải tìm nghề mới để chuyển đổi, mưu sinh; ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân tại khu vực 2 bờ.

Phà Vàm Cống dừng hoạt động, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất cao.

Bến trưởng Bến phà Vàm Cống Nguyễn Phúc Nguyên cho biết: “Sau khi cầu Vàm Cống thông xe, lượng phương tiện qua phà bình quân 4.000-5000 xe môtô/ngày đêm và hơn 100 xe ôtô khách, ôtô tải qua lại. Khách qua phà chủ yếu là cán bộ, công chức, công nhân lao động làm việc tại Tập đoàn Sao Mai, Công ty May xuất khẩu Đức Thành, Công ty Giày An Giang và các nhà máy, xí nghiệp của Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, các nhà máy chế biến thủy sản... và người dân quanh vùng mua bán, qua lại 2 bên bờ An Giang - Đồng Tháp”.

Để đi qua An Giang và Đồng Tháp, người dân buộc phải đi cầu Vàm Cống rất xa, phần lớn công nhân lao động đi đường vòng bằng cách qua đò Cái Dung (cách phà Vàm Cống hơn 2km), chạy qua xã Hòa An (Chợ Mới), rồi tiếp tục qua đò Hòa An sang Lấp Vò (Đồng Tháp). Một số công nhân làm gần khu vực TP. Long Xuyên thì qua phà An Hòa, qua huyện Chợ Mới, xuống đò Hòa An sang Đồng Tháp. “Như vậy để không đi cầu Vàm Cống, người dân phải tốn tiền 2 lần đò”- anh Nguyễn Văn Hai bày tỏ.

Thêm nữa, đi qua cầu Vàm Cống còn là nỗi ám ảnh đối với lao động nữ đi làm ca đêm, bởi cầu rất vắng, không đèn đường. “Chúng tôi cứ nơm nớp lo sợ”- chị Chi chia sẻ. Anh Lê (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi không hay phà nghỉ, nay có người điện thoại qua Lai Vung (Đồng Tháp) làm thuê, chạy tới mới hay. Đi phà nhanh hơn, còn giờ phải chạy lên cầu Vàm Cống tốn thêm xăng mấy chục cây số”. Ông Trần Văn Kèn (61 tuổi), nhà ở xã Bình Thành (Đồng Tháp) chạy “xe ôm” buồn buồn cho biết: “Hơn 4 năm sống dựa vào bến phà bằng nghề chạy “xe ôm”, ngày kiếm vài trăm ngàn đồng. Từ khi phà dừng hoạt động ế ẩm quá. Trước đây, tôi chở vợ qua An Giang bán vé số, còn tôi chạy “xe ôm”, đi phà rất nhanh, nay không dám đi đò, một phần 2 vợ chồng lớn tuổi, phần qua đò nhỏ sợ, nên phải chạy qua cầu Vàm Cống rất xa”.

Hiện đang trong thời điểm nghỉ hè, nhu cầu bức xúc chỉ dừng lại ở người dân, công nhân lao động... Đến giữa tháng 8-2019, mùa tựu trường, học sinh qua lại rất đông, chẳng lẽ học sinh tiếp tục vòng lên cầu Vàm Cống hoặc qua đò nhỏ chòng chềnh nguy hiểm? Là người trực tiếp chứng kiến hoạt động và nhu cầu qua lại của người dân nhiều năm qua, ông Nguyên đề nghị: “Địa phương và Tổng cục Đường bộ sớm giải quyết, để nhân dân 2 bờ được đi lại thuận tiện, giao thông thông suốt”.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Việt Trí cho biết: “Ban đầu, tỉnh đã có phương án tiếp quản làm sớm, đưa phà nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thông suốt sau khi Cụm phà Vàm Cống ngừng hoạt động, nhưng phía Phà Vàm Cống có ý kiến cho rằng, để phà Vàm Cống tiếp tục đưa và đưa theo giờ (chủ yếu giờ cao điểm công nhân qua lại) đến khi chính thức bàn giao cho An Giang. Hiện tại, Cụm phà Vàm Cống vẫn quản lý mà An Giang đưa vô hoạt động sẽ lấn cấn”. Cục Đường bộ 4 sẽ báo cáo Tổng cục Đường bộ về việc duy trì phương tiện phà nhỏ để đảm bảo nhu cầu đi lại của dân 2 bờ trong khi chờ điều chuyển về địa phương.

Theo ông Trí, hiện tại Bộ Giao thông - Vận tải đã ký trình Bộ Tài chính phương án bàn giao, chờ Bộ Tài chính phê duyệt chính thức bàn giao bến cho An Giang. “Tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, đưa bến phà Vàm Cống vào hoạt động sớm nhất khi có quyết định của Bộ Tài chính”- ông Trí khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm, bức xúc là: kế hoạch thông xe cầu Vàm Cống đã biết trước, tại sao các thủ tục “trình ký” như đã nêu không thực hiện từ trước để có phương án, giáp mối liền ngay sau khi có quyết định dừng hoạt động Cụm phà Vàm Cống?

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/can-nhanh-chong-giao-pha-vam-cong-de-an-giang-duy-tri-hoat-dong-dap-ung-nhu-cau-di-lai-giao-thuong-a249286.html