Cân nhắc việc thu phí môi trường các phương tiện tham gia giao thông

Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông. Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, tăng nguồn thu cho thành phố. Đề xuất đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế.

Theo Sở GTVT, tính đến ngày 15-5, trên địa bàn thành phố có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có hơn 7,6 triệu mô-tô, xe gắn máy. Mô-tô, xe gắn máy là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải. Thống kê cho thấy, mô-tô lưu thông thải ra 94% hy-đrô các-bon, 87% các-bon, 57% ô-xít ni-tơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Với tốc độ tăng mô-tô trên địa bàn 10 đến 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô-tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Ngoài việc gây ra ô nhiễm môi trường, số vụ tai nạn giao thông do các phương tiện quá hạn sử dụng, không đăng ký, đăng kiểm cũng ngày càng gia tăng. Đó là chưa kể, tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Những tồn tại này đã làm giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế khả năng thu hút đầu tư, du lịch và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giám đốc Sở GTVT thành phố Bùi Xuân Cường cho biết, để có cơ sở báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai kiểm soát khí thải mô-tô, xe gắn máy tại TP Hồ Chí Minh, Sở đề xuất UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương để thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm xây dựng đề án với kinh phí khoảng 2,4 tỷ đồng. Nội dung của đề án sẽ kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ (ô-tô, mô-tô và xe gắn máy hai đến ba bánh) hoạt động trên địa bàn thành phố; từ đó quy định vùng hoạt động của phương tiện theo các mức điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện. Thành phố cũng tiến hành điều tra, rà soát chủng loại mô-tô và xe gắn máy hai đến ba bánh đang lưu hành trên địa bàn để thống kê về số lượng, tuổi đời, chất lượng, khu vực thường xuyên hoạt động... của phương tiện theo quận, huyện. Sau đó, làm cơ sở đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Sở GTVT đã có văn bản tham vấn ý kiến của các sở, ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cho chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Nếu được UBND thành phố chấp thuận, đề án có thể thực hiện vào năm 2019.

Phó Giáo sư, TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là đề án cần triển khai càng sớm càng tốt vì TP Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, lượng xe máy quá nhiều trong đó có nhiều xe máy đã cũ, gây ô nhiễm môi trường và dễ gây tai nạn giao thông. Để xử lý, thành phố cần có lộ trình tịch thu những xe máy không đủ tiêu chuẩn về khí thải, sau đó đem đi tiêu hủy. Trước khi tịch thu xe máy, phải thông báo đến người dân và có kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí để họ thay đổi phương tiện khác.

Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen TP Hồ Chí Minh lại không đồng tình với đề xuất này và cho rằng cần phân loại ô nhiễm môi trường từ giao thông là gì, từ đó có chính sách cho phù hợp. Chẳng hạn, ô nhiễm do khói xe xả ra, do chạy trên đường bụi hay làm hư hại cầu đường… Nếu ô nhiễm do khói xe thì không được phép thu thêm vì mỗi người dân đã phải đóng thuế môi trường qua xăng dầu. Trường hợp thu vì làm xuống cấp cầu đường thì đã có thuế cầu đường khác, còn trường hợp thu vì xe chạy gây khói bụi thì phải xem ai là người gây ra? Bụi ấy phần nhiều là do xe lớn gây ra, mà xe chạy làm bụi bung lên là do đường bẩn, lòng lề đường không được làm sạch. Thu phí ô nhiễm giúp địa phương tăng nguồn thu, nhưng vấn đề là sử dụng nguồn thu đó như thế nào để giải quyết ô nhiễm môi trường cũng là bài toán không dễ có lời giải ngay.

Tương tự, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, muốn hạn chế phương tiện mô-tô, xe máy thì TP Hồ Chí Minh phải có phương án thay thế. Bởi xe máy hiện là phương tiện di chuyển chính của người dân thành phố (khoảng 74%). Hạn chế xe máy thì phải có hệ thống xe buýt tốt. Tuy nhiên, trong tình trạng giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu như hiện nay thì việc kiểm soát khí thải đối với xe máy cần có lộ trình, từng bước song song với việc phát triển xe buýt, hình thành mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp. Đồng thời, Nhà nước cũng nên đánh giá, phân loại chính xác, lọc ra những đối tượng quá khó khăn về kinh tế trong xã hội để có những chính sách hỗ trợ họ chuyển đổi phương tiện.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38077102-can-nhac-viec-thu-phi-moi-truong-cac-phuong-tien-tham-gia-giao-thong.html