Cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), mà ban hành một nghị định về hộ kinh doanh vì tính chất và quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh rất khác doanh nghiệp.

Sáng 23/3, tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, hiện có 2 luồng ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp để có một chương quy định đầy đủ về hộ kinh doanh như bổ sung một số quy định làm rõ cơ chế, chính sách đối với hộ kinh doanh để tạo sự công bằng giữa các loại hình.

Loại ý kiến thứ 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng”, ông Thanh nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu như Luật Doanh nghiệp vẫn duy trì khái niệm hộ kinh doanh thì cần phải quy về quan hệ giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó. Việc duy trì tư cách chủ thể của hộ kinh doanh nguyên trạng như hiện nay là mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật dân sự.

“Vấn đề này cần được giải quyết sớm và phải giải quyết ở cấp văn bản luật mà không thể quy định ở cấp nghị định bởi đây là sự không thống nhất giữa hai văn bản luật là Bộ luật dân sự và Luật Doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, việc đưa chế định về hộ kinh doanh, thực chất là một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế, vào Luật Doanh nghiệp là phù hợp để vừa tạo sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh được phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đặt vấn đề: Nếu đưa hộ kinh doanh vào luật thì có coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp hay không? Có tăng khối lượng doanh nghiệp hay không?

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chỉ rõ, hộ kinh doanh nước ta hoạt động có sự linh hoạt, giờ đưa vào trong luật là “bó tay bó chân”. Vì vậy, nên để hộ kinh doanh tồn tại như thành phần kinh tế khác và điều chỉnh bằng một Nghị định, và giao cho Chính phủ quy định cho linh hoạt với mức độ của doanh nghiệp.

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, nhưng hoạt động gần giống như doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó có thể luật hóa chứ không nhất thiết phải có luật mới.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần có luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, có quy định tại luật này hay có luật riêng thì còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa hai phương án để xin ý kiến ĐBQH tại hội nghị ĐBQH chuyên trách và trình Quốc hội quyết định./.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/phap-luat/can-nhac-viec-dua-ho-kinh-doanh-vao-luat-doanh-nghiep-sua-doi-551040.html