Cân nhắc việc chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Chiều 16-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Lo ngại phát sinh biên chế, kinh phí

Mục đích của việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; góp phần xây dựng trật tự, an toàn giao thông tiến bộ, văn minh, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

Bên cạnh một số ý kiến đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ ý kiến băn khoăn về việc phân tách các quy định về giao thông đường bộ thành hai dự án luật, các đại biểu cũng nhận định, việc góp ý dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm mục đích khắc phục những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Những ý kiến sâu sắc sẽ góp phần quan trọng trong vấn đề sửa đổi hoặc phân tách Luật thời gian tới.

Về vấn đề chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) bày tỏ lo ngại vấn đề bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải và 63 tỉnh, thành phố. Đại biểu nhận định, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện tốt, thuận tiện, nhanh chóng. Việc thay đổi sang Bộ Công an sẽ gây xáo trộn, tốn kém kinh phí cho Nhà nước và nhân dân. “Ngoài ra, khó có thể cam đoan việc khi chuyển thẩm quyền sang Bộ Công an thì sẽ không còn nạn làm giả giấy phép lái xe”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau).

Đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, trước đây đã có thời gian công tác này được giao cho Bộ Công an, sau đó lại đưa về Bộ Giao thông Vận tải. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga và đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc này phù hợp với chủ trương được nêu trong các nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nhận định, quy định trừ điểm giấy phép lái xe, trong đó quy định nếu bị trừ hết điểm (12 điểm/năm) trong 6 tháng thì phải sát hạch lại là điểm mới của dự thảo Luật, là biện pháp quản lý hành chính nhà nước đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng đây là điểm mới nên cần có những biện pháp nhắc nhở những vi phạm chưa nguy hiểm, nếu tái phạm thì thực hiện trừ điểm đúng quy định.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình).

Về quy định đấu giá biển số xe, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần xác định như thế nào là biển số đẹp để đưa vào đấu giá. “Đề nghị ban hành quy định đấu giá biển số xe để thực hiện đấu giá bảo đảm công khai, minh bạch”, đại biểu nói.

Bảo đảm hai dự án luật không ảnh hưởng lẫn nhau

Đối với quy định người điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe máy điện, không cần giấy phép lái xe, đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) lo lắng vấn đề người điều khiển các phương tiện này chủ yếu là học sinh ở độ tuổi 16 đến 18 tuổi. Trong 10 tháng năm 2020 đã xảy ra 197 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người dưới 18 tuổi gây ra. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định này bởi đây là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, trong khi việc giáo dục an toàn giao thông tại nhà trường còn chưa thực sự bảo đảm.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật khắc phục và tạo hành lang pháp lý cho 5 vấn đề, gồm: Quy trình xử phạt nguội; xây dựng hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông và cơ chế chia sẻ thông tin; hoàn thiện hành lang xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; quy trình phân tích, xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan sau tai nạn giao thông; công tác bảo vệ hiện trường, phân tích điều tra tai nạn giao thông.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội).

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, theo tính toán của Bộ Công an, nếu Luật được ban hành sẽ không tăng biên chế, không gây lãng phí về kinh phí và không tăng thủ tục hành chính. “Bộ Công an nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thực tế cùng với sự phát triển chung của xã hội thì quá trình xây dựng pháp luật ngày càng đi vào chi tiết, cụ thể hóa. Trên thực tế cũng đã có rất nhiều luật được xây dựng trên cơ sở đi vào chi tiết của các luật đã được ban hành. “Hai dự thảo luật đã được các cơ quan nhất trí cao và bảo đảm không làm ảnh hưởng lẫn nhau, không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến và 3 đại biểu phát biểu tranh luận tại phiên họp. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường và tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về những vấn đề lớn của cả hai dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), báo cáo Quốc hội theo quy trình.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/983760/can-nhac-viec-chuyen-tham-quyen-dao-tao-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe