Cân nhắc, tính toán chỉ tiêu GDP phù hợp với điều kiện thực tế

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới cần phải tính toán chi tiết hơn, thực tiễn hơn là góp ý của đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về nội dung này.

Góp ý về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần phải tính toán chi tiết hơn, thực tiễn hơn như: Chỉ tiêu TFP, năng suất lao động, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu không có tính liên thông, kế thừa như Chỉ tiêu FDI, chỉ tiêu HDI (Chỉ số phát triển con người), có giai đoạn có chỉ tiêu nhưng có giai đoạn sau lại không có. Do đó, cần phải kiểm tra, tính toán lại để xây dựng kịch bản phát triển đảm bảo tính thực tiễn và tính liên thông.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đóng góp ý kiến (ảnh: báo Quảng Ninh)

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đóng góp ý kiến (ảnh: báo Quảng Ninh)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tán thành với phương án “Đến năm 2030, trở thành nước Công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”. Cơ sở để lựa chọn phương án này là tiền đề 10 năm qua Việt Nam đã bứt phá, phát triển, tạo thời cơ, thuận lợi trong giai đoạn mới, để vươn lên tốp trên các nước có thu nhập trung bình cao, có cơ sở, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung một số nội dung sau: cần xác định lĩnh vực công nghiệp là mục tiêu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung đánh giá và đề ra giải pháp quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình dự án.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị dự thảo báo cáo cần bổ sung phương án, giải pháp quy hoạch, xét duyệt các dự án đầu tư một cách chu đáo, chặt chẽ, không dàn trải phòng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Góp ý về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chủ yếu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cơ bản thống nhất với các số liệu của dự thảo Báo cáo, cho rằng, có tính khả thi và thể hiện được mục tiêu phấn đấu.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7% cần cân nhắc, tính toán cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Vì cho dù một số tổ chức có uy tín trên thế giới đều đánh giá tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 là rất tích cực, song với độ mở của nền kinh tế hiện nay, và nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới rất khó khăn, nguy cơ suy thoái, khủng hoảng toàn cầu kéo dài nặng nề. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Do đó, đại biểu cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%-7% là rất khó khả thi.

Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung nội dung, chỉ đạo, định hướng rõ hơn đối với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và bố trí thành một mục riêng. Bởi, đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực đến đời sống, an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-nhac-tinh-toan-chi-tieu-gdp-phu-hop-voi-dieu-kien-thuc-te-217186.html