Cân nhắc quyền lợi nhà đầu tư nhỏ

Ảnh hưởng bởi thông tin nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu để giảm 'nghẽn lệnh', nhà đầu tư chứng khoán ngày 4/3 đã có phiên tháo hàng, khiến cho thị trường giảm mạnh. Đáng nói hơn, tình trạng nghẽn lệnh xảy ra trầm trọng từ buổi sáng xuyên sang buổi chiều, khiến cho đà phục hồi bị cản.

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 4/3 mở đầu với diễn biến khá thận trọng của các nhà đầu tư, tuy nhiên, sau 10h, lực bán bất ngờ diễn ra mạnh mẽ và trên diện rộng, đẩy hàng loạt mã quay đầu giảm giá, VN-Index mất hơn 26 điểm, xuống ngưỡng 1.160 điểm. Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch bắt đầu xảy ra và kéo dài sang cả phiên buổi chiều khiến cho tâm lý nhà đầu tư có phần chán nản.

Bởi vậy, dù trong thời gian đầu phiên buổi chiều, thị trường đã phục hồi nhưng vì nhà đầu tư không còn tâm lý kỳ vọng, cộng với việc nghẽn lệnh trở nên trầm trọng, khối lượng khớp lệnh không tăng đáng kể đã khiến chỉ số VN-Index cố gắng lắm cũng chỉ phục hồi được chút ít. Kết thúc, VN-Index giảm 18,43 điểm (-1,55%), xuống 1.168,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 673,4 triệu đơn vị, giá trị 16.801 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên liền trước.

Nhà đầu tư thiệt hại vì thị trường chứng khoán nghẽn lệnh. Ảnh minh họa

Nhà đầu tư thiệt hại vì thị trường chứng khoán nghẽn lệnh. Ảnh minh họa

Nghẽn lệnh là tình trạng xảy ra như “cơm bữa” trên sàn chứng khoán trong vài tháng gần đây kể từ trước Tết Nguyên đán. Theo đó, thị trường giao ở ngưỡng thanh khoản 14.000 – 17.000 tỷ đồng là bắt đầu nghẽn lệnh. Có những thời điểm, hệ thống của các công ty chứng khoán trắng xóa, nhà đầu tư không thể đặt được lệnh mua hay bán. Trên các group, 200 nghìn nhà đầu tư tỏ thái độ phẫn nộ với tình trạng nghẽn lệnh làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của họ.

Được biết, ước tính năm 2020 có thêm 393.000 tài khoản mới mở để giao dịch chứng khoán, cao nhất trong 20 năm qua. Số tài khoản mở mới tăng kỷ lục, thanh khoản tăng vọt, thị trường vốn này chứng kiến có những phiên giao dịch tới gần 1 tỷ USD. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng thừa nhận "năng lực hệ thống giao dịch của SGDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) giới hạn về số lượng lệnh, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán".

Trước những bất cập này, mới đây, Bộ Tài chính cho biết, UBCKNN đã chỉ đạo HOSE khẩn trương nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, thông suốt. Đáng chú ý, trong vài ngày gần đây, thông tin HOSE dự kiến đề xuất tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu đang gây xôn xao dư luận và trực tiếp ảnh hưởng tới chính tâm lý của các nhà đầu tư.

Cụ thể, ông Lê Hải Trà- tân Tổng Giám đốc HOSE cho biết vấn đề nâng lô giao dịch đã được HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HOSE.

“Việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp”, ông Trà nói.

Tuy nhiên, theo ông Trà, đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cho rằng giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ, thị trường sẽ dừng hoạt động. Do đó, ông cho rằng, trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn.

Dù thông tin này chỉ là dự kiến đề xuất và phía cơ quan điều hành là UBCKNN chưa bày tỏ quan điểm gì, nhưng nó đã khiến cho thị trường xáo trộn, nhất là tâm lý của các nhà đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng việc nâng lô sẽ “gạt” những nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi cuộc chơi, bởi việc nâng lô đồng nghĩa với nhà đầu tư muốn tham gia thị trường phải rót nhiều vốn hơn.

Thực tế hiện nay, có hàng chục cổ phiếu có mệnh giá hơn 100 nghìn đồng. Nếu nâng lô lên 1.000 đồng, muốn giao dịch các cổ phiếu này, nhà đầu tư phải có số vốn ít nhất là hơn 100 triệu đồng. Lấy ví dụ như để mua cổ phiếu MWG với thị giá khoảng 135.000 đồng/cp, thay vì chỉ cần bỏ ra 13,5 triệu đồng như hiện nay, nhà đầu tư cần tới 135 triệu đồng mới có thể mua cổ phiếu này.

Thậm chí với cổ phiếu RAL với thị giá trên 200.000 đồng, nhà đầu tư cần tới hơn 200 triệu đồng mới có thể mua được. Còn nếu ít vốn mà vẫn muốn tham gia thị trường, giải pháp duy nhất là các nhà đầu tư phải tìm đến những cổ phiếu mệnh giá thấp, thậm chí được gọi là cổ phiếu… “trà đá”, “rau muống”.

Bình luận về đề xuất này TS Võ Đình Trí - Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, IPAG Business School Paris và AVSE Global, đã có một bài viết phân tích khá sâu. Theo vị học giả này, việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu là bước lùi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Trí, hệ thống giao dịch của HOSE được thiết kế có công suất tối đa là 900.000 lệnh/phiên. Dựa trên các dữ liệu phân tích từ thị trường chứng khoán Mỹ, ông Trí tính toán số lệnh đến từ nhà đầu tư cá nhân sẽ rơi vào khoảng 215.000 lệnh.

Như vậy so với công suất tối đa của HOSE thì số lượng lệnh này chiếm khoảng 23,88%. Phần lớn còn lại đương nhiên đến từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi vậy, việc tăng lô lên 1.000 có lẽ không nên thực hiện dù là tạm thời, vì vẫn còn những giải pháp thay thế khác, như chuyển một số công ty qua sàn HNX và quan trọng hơn là rà soát, ngăn chặn các lệnh mua bán ảo. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, việc giữ lô giao dịch 100 hay thấp hơn đem lại cho họ nhiều thuận lợi…

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/can-nhac-quyen-loi-nha-dau-tu-nho-632845/