Cân nhắc quy định 20 m2 sàn/người khi nhập hộ khẩu

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đang soạn thảo quy định diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP Hồ Chí Minh. Theo dự thảo này, diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại thành phố được tính chung là 20 m2 sàn/người (hiện nay là 5 m2 sàn/người). Quy định này không áp dụng với trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn và các trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, điều 20 Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi bổ sung bởi khoản 2, điều 1, Luật sửa đổi bổ sung Luật Cư trú 2013). Mục tiêu của dự thảo nhằm bảo đảm quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu, về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Mặt khác, tạo điều kiện tốt để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng về nhà ở, về việc học, việc làm cũng như sinh hoạt trong cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, xét trên điều kiện thực tế cuộc sống của người dân thành phố hiện nay, dự thảo đã khiến nhiều người lo ngại sẽ khó áp dụng, gây xáo trộn cuộc sống của hầu hết người dân nhập cư, có thu nhập thấp. Bởi lẽ, tiêu chuẩn 20 m2 sàn/người nằm ngoài khả năng của nhiều người nhập cư, các khu trọ gần Khu công nghiệp chủ yếu thuê các phòng có diện tích 20 m2 và vừa đủ cho gia đình từ ba thành viên với giá khoảng bốn triệu đồng/tháng, trong đó thu nhập của họ tầm 20 triệu đồng/tháng. Họ cần đăng ký thường trú cho con cái đi học, và mức thu nhập này để họ ổn định cuộc sống. Khi tăng diện tích tối thiểu 20 m2 sàn/người thì họ cần thuê căn hộ có diện tích lên đến 60 m2. Theo đó, chi phí thuê nhà tăng lên 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, họ không trang trải được cuộc sống.

Đó là chưa kể, hầu hết người dân nhập cư đến TP Hồ Chí Minh không phải vì muốn có hộ khẩu thường trú mà họ muốn có việc làm trang trải cuộc sống, tìm cơ hội khởi nghiệp. Do vậy, nếu họ không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú thì họ sẽ đăng ký tạm trú. Việc cơ quan quản lý tăng điều kiện để được đăng ký hộ khẩu vào TP Hồ Chí Minh không những không ngăn được nhập cư mà còn làm những người nhập cư muốn có hộ khẩu thành phố phải lách luật, tạo cơ hội cho tiêu cực, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự xã hội…

Trước những tồn tại nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Sở Xây dựng trước khi trình thành phố ban hành nên lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Một giải pháp được hiến kế là, cần quy định chênh lệch diện tích bình quân tối thiểu phân chia theo hai khu vực nội thành và ngoại thành. Ngoại thành gồm năm huyện (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ); nội thành gồm 19 quận (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú và Thủ Đức). Những huyện ngoại thành hiện nay mật độ dân số chỉ khoảng 1.000 người/km2, trong khi đó khu vực nội thành mật độ dân số đã lên đến 13 nghìn người/km2. Do đó, cần tính toán quy định diện tích bình quân tối thiểu của khu vực nội thành cao hơn ngoại thành từ 1,5 đến 2 lần để góp phần giãn dân từ nội thành ra ngoại thành. Có quan điểm lại đề nghị cần cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Lý do, hạn chế việc tập trung quá đông dân vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng nên thực hiện bằng những giải pháp kinh tế, còn can thiệp bằng biện pháp hành chính như hạn chế nhập hộ khẩu thì thực tế vẫn không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị mà chỉ gây thêm khó khăn cho người dân.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38258602-can-nhac-quy-dinh-20-m2-san-nguoi-khi-nhap-ho-khau.html