Cân nhắc nới rộng khung giờ làm thêm

Bộ Luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động (NLĐ) là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm.

Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (doanh nghiệp - DN - phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh). Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam với hơn 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), phần lớn NLĐ không mong muốn làm thêm nhưng vì thu nhập thấp nên phải chấp nhận. Đáng lưu ý là trung bình thu nhập từ tăng ca của NLĐ chỉ hơn 1.336.000 đồng/người/tháng (chiếm 22,4% tổng thu nhập). Nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm DN thâm dụng lao động (dệt may, giày da). Kết quả trên chỉ ra rằng làm thêm giờ là nhu cầu có thật của cả DN lẫn NLĐ. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến những hệ lụy, đặc biệt là đối với NLĐ. Thực tế, làm thêm quá nhiều nhưng nếu không được bồi dưỡng thỏa đáng thì sức khỏe NLĐ sẽ suy kiệt. Bị vắt kiệt sức, họ khó thể trụ lại lâu dài với nghề và đối diện với nguy cơ bị đào thải. Chưa hết, việc làm thêm cũng khiến NLĐ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, việc chăm sóc con cái, gia đình cũng bị ảnh hưởng.

Việc nới rộng khung giờ làm thêm sẽ khiến sức khỏe người lao động suy kiệt Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Việc nới rộng khung giờ làm thêm sẽ khiến sức khỏe người lao động suy kiệt Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tôi cho rằng việc nới rộng khung giờ làm thêm phải đặt trong mối tương quan giữa giờ làm việc chính thức của chúng ta hiện nay như: giờ làm tương đối cao và điều kiện lao động, sức khỏe của người Việt Nam cũng có hạn chế nhất định; điều kiện kinh tế - xã hội liên quan đến việc làm, thất nghiệp, tai nạn lao động... Làm thêm giờ phải theo đúng nghĩa để giải quyết công việc có tính đột xuất, thời vụ, chứ không phải theo kiểu làm thêm giờ quanh năm. Việc làm thêm giờ cũng cần đặt trong bối cảnh, xu hướng chung của quốc tế, đó là xu hướng giảm giờ làm, giảm giới hạn làm thêm giờ. Với điều kiện cụ thể ở nước ta, có thể xem xét việc mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về làm thêm giờ lên 300 giờ, trường hợp đặc biệt được làm thêm tối đa 400 giờ mỗi năm, là có thể chấp nhận được với điều kiện phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được trả theo lũy tiến. Điều này giúp cho NLĐ được hưởng lợi và DN cũng cần phải hết sức cân nhắc khi huy động NLĐ làm thêm giờ nhiều.

Đặng Anh Đức, (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự, TP Hà Nội)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/can-nhac-noi-rong-khung-gio-lam-them-20190625203105099.htm