Cân nhắc kỹ việc lập phiên tòa xét xử lưu động

Xét xử lưu động các vụ án là một hoạt động đặc thù của ngành tòa án nhằm răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó thúc đẩy việc tăng cường phòng chống tội phạm, minh bạch hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 37 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, trong đó có nêu rõ cần tăng số lượng xét xử lưu động các vụ án hình sự.

Theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tòa án xét xử công khai và mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự… thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Như thế, công khai là một nguyên tắc trong hoạt động xét xử của tòa án và việc xét xử lưu động các vụ án được các tòa án cân nhắc linh hoạt nhằm đảm bảo hiệu quả và tác dụng của việc xét xử đối với toàn xã hội.

Sau 5 năm triển khai, ngày 6/11/2017, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Chánh án TAND Tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động quy định tại Nghị quyết số 37 nói trên.

Quan điểm được đưa ra là trong điều kiện khoa học công nghệ và truyền thông phát triển như hiện nay, cùng với nhiều nguyên tắc tiến bộ được ghi nhận trong Hiến pháp và luật hiện hành thì việc xử lưu động không còn phù hợp.

Thực tế, thời gian qua, việc xét xử lưu động các vụ án bộc lộ những bất cập từ thực tiễn nhất định. Thứ nhất, phiên tòa lưu động gây ra áp lực đối với bị cáo vì việc xét xử lưu động sẽ gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng, xấu hổ cho bị cáo, từ đó người phạm tội sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng sau khi phải chấp hành án.

Thứ hai, việc tổ chức xét xử lưu động cũng tạo ra áp lực cho thẩm phán được phân công xét xử.

Trên thực tế, về mặt chuyên môn, khi việc xét xử được tiến hành tại trụ sở của tòa án thì hội đồng xét xử sẽ có tâm lý thoải mái, bình tĩnh hơn để đưa ra các phán quyết chính xác. Việc xét xử lưu động cũng sẽ không có lợi cho việc xét hỏi hay điều tra công khai tại tòa…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác dụng do các phiên tòa lưu động mang lại như tạo ra hiệu ứng cao về răn đe và phòng ngừa các hành vi phạm tội, nhất là ở những địa bàn phức tạp, còn hình thành những điểm nóng về tội phạm.

Vậy vấn đề đặt ra là có nên bỏ hẳn các phiên tòa xét xử lưu động?

Trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi tình hình tội phạm vẫn có những diễn biến phức tạp thì chưa nên bỏ hẳn việc xét xử lưu động. Tuy nhiên, các cơ cơ quan chức năng cần hướng dẫn những tiêu chí cụ thể để lựa chọn, phân định rõ những vụ án có thể được tiến hành xét xử lưu động. Cần có sự cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định xét xử lưu động, nhằm tránh những hệ lụy và hệ quả bất lợi phát sinh. Các tình tiết của vụ án cần phải được đánh giá kỹ càng, các bằng chứng và chứng cứ phải được thu thập đầy đủ và các hoạt động tố tụng phải được chuẩn bị tốt. Nghĩa là, các phiên tòa xét xử lưu động phải được hoàn bị và đạt được chuẩn mực trong hoạt động xét xử.

Khi đó, việc tổ chức xét xử các phiên tòa lưu động sẽ làm tăng hiệu quả về văn hóa pháp luật, sự uy nghiêm của Nhà nước và pháp luật càng được đề cao, công tác phòng chống tội phạm được thực hiện tốt và có hiệu quả hơn. Qua đó, tạo tiền đề cho việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật thêm hiệu quả.

Trần Trí Dũng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/can-nhac-ky-viec-lap-phien-toa-xet-xu-luu-dong/351674.vgp