Cân nhắc kỹ lưỡng khi sửa đổi luật

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sửa luật này nằm trong mục tiêu sửa 28 luật cho phù hợp với Luật Quy hoạch nên mới đưa vào trong chương trình 1 luật sửa 4 luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Nhưng Chính phủ trình ra trong 77 điều có đến 19 điều liên quan đến Luật Quy hoạch. Do đó, phạm vi và sự cần thiết chỉ tập trung vào điều khoản cho phù hợp với Luật Quy hoạch. Những nội dung Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung nằm ngoài mục tiêu sửa để phù hợp với Luật Quy hoạch. Cho nên, nếu sửa sẽ dẫn đến thay đổi chính sách, xung đột với hệ thống pháp luật. Do đó nên tách ra sửa thành luật riêng để đảm bảo tính chính xác của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, mục tiêu lúc đầu sửa luật để chạy theo Luật Quy hoạch. Cho nên nếu đa mục tiêu là không hợp lý. Trong đó, quan điểm sửa đổi hiện thiếu vấn đề 2 quan trọng là cái nào vướng mắc? Nếu vướng do luật thì mới sửa, còn vướng do tổ chức thực hiện thì không sửa. Nhưng báo cáo tổng kết không nêu lý do sửa đổi cũng như không nêu quan điểm. Cho nên cần làm rõ để đảm bảo tính tương thích với hệ thống pháp luật, nếu phá ra sẽ xung đột lớn.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ngày 16/4 khi UBTV Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chỉ ra, việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật còn hạn chế, chất lượng một số dự án chưa được Quốc hội đánh giá cao. Tồn tại hạn chế trên do thời gian qua các bộ dành nhiều thời gian cho chỉ đạo, điều hành nên thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật chưa nhiều, hay công tác phối hợp giữa các bộ còn hạn chế. Từ đó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để phục vụ cho Luật Quy hoạch thì sửa luật cho phù hợp với quy hoạch, chứ hạn chế dùng 1 luật sửa nhiều luật, và chỉ dùng trong trường hợp cần thiết.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQuốc hội năm 2019; cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 14.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phap-luat/can-nhac-ky-luong-khi-sua-doi-luat-tintuc401255