Cân nhắc khi nhà còn nghèo

Tương tự những lần hãng Apple bắt đầu tung ra các mẫu iPhone mới, tuần trước nhiều bạn trẻ Việt Nam lại rủ nhau bay sang Singapore, kiên nhẫn xếp hàng qua đêm bên ngoài Apple Store để được là những người đầu tiên sở hữu bộ đôi mới nhất - iPhone XS và XS Max - khi cửa hàng duy nhất của Apple ở Đông Nam Á này mở bán chính thức từ sáng ngày 21-9.

Người xếp hàng dài bên ngoài một cửa hàng Apple tại Singapore để mua bộ đôi iPhone XS và iPhone XS Max. Ảnh: Straits Times

Hình ảnh và những đoạn trả lời phỏng vấn của những bạn trẻ người Việt đã được một số tờ báo nước ngoài đăng tải, kèm theo những mô tả đầy ngạc nhiên của các báo này: đói, mệt, không ngủ, chấp nhận trời nóng vào ban ngày, mưa to vào ban đêm trước ngày mở bán... Vất vả thế nhưng họ vẫn chịu đựng mà không dám rời vị trí vì có thể bị hủy chỗ, công sức coi như tiêu tan.

Sao phải chịu khổ đến vậy! Trong những người xếp hàng chờ mua kia, như các tờ báo ghi nhận, có những người mua cho riêng mình, có những người được thuê xếp hàng mua, và có những người mua về để bán lại hưởng chênh lệch. Nhưng cho dù ai mua, có thể thấy lý do cuối cùng của sự chịu khó đó là để những chủ sở hữu thực sự của chiếc iPhone thỏa mãn tâm lý muốn được là những người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu những sản phẩm cao cấp này, những chiếc điện thoại có giá đến ba bốn chục triệu đồng.

Tâm lý nói trên cũng dễ hiểu, phần đông ai lại không muốn mình được sở hữu (chính đáng) những món đồ đáng giá mà người khác không thể có hoặc chưa kịp có. Và điều ấy xem chừng có lý khi cuộc sống đã khá lên, dư dả để sắm cho mình những món hàng đắt tiền. Trong khoảng chừng chục năm qua, ngày càng có nhiều người Việt giàu lên nhanh và theo đó nhu cầu hưởng thụ cũng cao hơn, hình thành một bộ phận ngày càng đông những người tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ sang trọng, cao cấp, theo những khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường.

Chẳng hạn theo một nghiên cứu của Công ty Nielsen vào tháng 9-2017: “Việt Nam có tầng lớp trung lưu đầy tham vọng đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á (theo báo cáo của tập đoàn Tư vấn Boston - 12,9%/năm trong giai đoạn 2012-2020). Tầng lớp này cũng đang mở rộng về mặt địa lý, với những vùng mới vượt ra ngoài các trung tâm chính như Hà Nội và TPHCM. Các thành phố ở Việt Nam giờ đây đã tập trung rất nhiều những khách hàng có hiểu biết về công nghệ thông tin và nhận thức về thương hiệu được truyền thông tiếp thị với những phương thức tiếp thị đa dạng và liên tục thay đổi...” (*). Hay như một khảo sát khác cũng của Nielsen về nhu cầu hàng hiệu cho thấy, 56% người Việt sẵn sàng chi tiền để mua hàng hiệu. Số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%).

Như một tất yếu của quy luật cung cầu, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn các nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ đình đám trên thế giới. Đến nay, nhiều người Việt đã có thể ngồi lên những chiếc ô tô tiện nghi và đẳng cấp; sở hữu những chiếc điện thoại mà ngay cả dân ở nước phát triển phải cân nhắc khi mua; rồi những quần áo, giày dép, mỹ phẩm của những thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng đã phủ kín các quầy kệ tại các trung tâm thương mại sang trọng... Trong số những người sở hữu hàng hiệu cao cấp, dễ bắt gặp những người còn rất trẻ, những học sinh, sinh viên mà liệu chừng thu nhập của họ khó lòng để “đua đòi” như vậy.

Và, đánh đổi cho việc đáp ứng nhu cầu đó của thị trường, dòng ngoại tệ phải chảy ra bên ngoài tương xứng, để nhập về những mặt hàng không đến mức thuộc loại tiêu dùng thiết yếu, hoặc trong nước đã có. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc năm 2017 gần 2,2 tỉ đô la Mỹ; năm 2016 hơn 2,3 tỉ đô la. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017, giá trị nhập khẩu điện thoại và linh kiện 16,34 tỉ đô la; năm 2016 hơn 10,5 tỉ đô la...

Một xã hội tiêu thụ lớn dần cũng là một chỉ dấu cho thấy đời sống kinh tế-xã hội đang đi lên, với những mặt tích cực như thúc đẩy tự do hàng hóa/dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Nhưng một khi nó không được cân đối trên bình diện vĩ mô thì cũng không ổn, bởi có thể có những tác động đến cán cân thương mại (nhập khẩu càng nhiều), kích thích tâm lý hưởng thụ, chạy theo nhu cầu hào nhoáng giả tạo, tiêu dùng vượt quá khả năng tích lũy, làm trầm trọng khoảng cách giàu nghèo... Tính đến năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới đạt 53,5 triệu đồng, khoảng 2.385 đô la (**), một con số hãy còn khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Vậy nên cũng cần cân nhắc khi nhà còn nghèo!

(*) https://www.nielsen.com/vn/vi/insights/2017/nielsen-affluent-study-2017.html

(**) http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=&ItemID=18667

Lê Triết

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279151/can-nhac-khi-nha-con-ngheo-.html