Cân nhắc khi đầu tư condotel

Ngay sau khi Bộ TN&MT ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương trong cả nước về việc cấp quyền sử dụng cho condotel với thời hạn từ 50 – 70 năm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Quang Vinh để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan.

 Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Quang Vinh

Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Quang Vinh

Ông có đánh giá thế nào về việc Bộ TN&MT ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về việc chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch?

- Trải qua nhiều thăng trầm trong suốt quá trình phát triển, đặc biệt là sự “đổ vỡ tạm thời” của sản phẩm condotel trong năm 2019 vừa qua, cuối cùng cũng đã có một văn bản hướng dẫn về việc sở hữu loại hình sản phẩm BĐS căn hộ du lịch. Có những thời điểm condotel đã phát triển mạnh mẽ, trở thành hiện tượng của thị trường, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh, TP ven biển cũng như sự phát triển của ngành du lịch, BĐS trong cả nước. Nhưng dù có mang lại nhiều lợi ích tích cực, song trong thời gian qua, những tranh cãi về pháp lý đối với dòng sản phẩm này chưa có hồi kết.

Đặc biệt khi một số chủ đầu tư tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận theo cam kết cho nhà đầu tư thứ cấp, những tranh cãi càng trở nên gay gắt hơn. Việc Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở đối với căn hộ condotel đã làm dịu đi phần nào tranh chấp này.

Nhiều ý kiến cho rằng việc cấp quyền sử dụng cho condotel với thời gian từ 50 – 70 năm là sai luật?

- Tôi cũng đã tìm hiểu một số thông tin trái chiều về vấn đề này. Trong đó một số ý kiến cho rằng, việc hiểu nội dung văn bản hướng dẫn các địa phương trong cả nước về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở của Bộ TN&MT là dành cho sản phẩm condotel. Đó là cách hiểu lách luật để hợp thức hóa cho dòng sản phẩm này hoặc việc cấp quyền sử dụng đất có thời hạn cho condotel là không đúng với Luật Đất đai hiện hành...

Tôi không đi sâu vào việc đánh giá đúng hay sai từ văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT, mà chỉ nhìn nhận một cách thực tế. Dòng sản phẩm này đã phát triển ở Việt Nam hàng chục năm nay, có đóng góp tích vào sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề xã hội, hiện nay có hàng vạn nhà đầu tư đã bỏ vốn ra từ nhiều năm qua đang rất mong đợi một cơ chế pháp lý rõ ràng cho tài sản của mình.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận cho condotel cũng đã được Bộ TN&MT nêu rõ, trong trường hợp các dự án có công trình đủ điều kiện được chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh BĐS, việc chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) được quy định tại Điều 32 của Nghị định số 43/2014 và Nghị định số 01/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, như vậy không thể nói là sai luật được.

Theo ông, tới đây, thị trường BĐS nói chung và dòng sản phẩm condotel nói riêng sẽ đi theo hướng nào?

- Khi những vấn đề cho condotel được xử lý sẽ thúc đẩy các nhà làm luật sớm hoàn thiện vấn đề pháp lý liên quan, giúp cho thị trường BĐS phát triển một cách cân bằng, minh bạch và bền vững. Theo tôi, sau khi có những quy định rõ ràng về pháp lý sẽ giúp cho dòng sản phẩm condotel sớm ổn định và phát triển. Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn trọng khi đưa ra những quyết quyết định đầu tư. Vì những "đổ vỡ" của condotel trong thời gian qua vẫn chưa có gì bảo đảm rằng đây sẽ là sản phẩm an toàn khi đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Mai Vân (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-nhac-khi-dau-tu-condotel-375924.html