Cân nhắc khi bổ sung hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Sáng 16-10, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đáng chú ý, trong dự thảo luật đã bổ sung nội dung về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, bao gồm các Điều 187b, 187c và 187d, 187đ và 187e (thay thế khoản 2 Điều 212 Luật doanh nghiệp); tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; bảo đảm sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản chưa đồng tình với việc bổ sung hộ kinh doanh vào dự thảo luật; cho rằng vấn đề này cần cân nhắc kỹ và cần có đánh giá tác động.

 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, kinh doanh là quyền của công dân được pháp luật quy định. Người dân có quyền kinh doanh ngành nghề cảm thấy phù hợp, còn Nhà nước quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh bằng hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao người dân không thích sang doanh nghiệp; có thể hàng triệu người kinh doanh sẽ bỏ bê không muốn làm nữa? Cho rằng trước khi luật hóa quy định về hộ kinh doanh thì cần phải trả lời câu hỏi vì sao hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp? “Khi đưa tất cả hộ kinh doanh vào điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải bảo đảm theo Luật Doanh nghiệp thì tương lai sự phát triển của hàng triệu hộ kinh doanh như thế nào, nên đánh giá tác động kỹ về vấn đề này”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng Ban Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Túy cho hay, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới nêu ra việc bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện chứ chưa có nội dung nào tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển.

Theo Trưởng Ban Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Túy, bản chất luật đưa ra nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển. Do vậy, nếu thấy chưa rõ, không khả thi thì không nên đưa vào điều chỉnh Luật Doanh nghiệp mà thay vào đó, có thể quy định bằng nghị định.

Cũng góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh Luật Doanh nghiệp có ảnh hưởng tới hơn 5 triệu hộ mà chưa có đánh giá tác động đầy đủ. “Tôi đề nghị Luật này sửa những cái bất cập để tạo điều kiện, phát triển doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, dễ dàng cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, câu hỏi lớn nhất là chúng ta sửa luật này có giải quyết được những bất cập, vướng mắc hiện nay không? Sửa đổi luật để bảo đảm không còn những nội dung không còn tương thích với những luật ban hành gần đây. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi chưa nêu rõ các nội dung không còn tương thích với những luật nào.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bảo đảm việc sửa đổi không tạo ra sự không tương thích mới; tránh tình trạng càng sửa càng mâu thuẫn, càng ràng buộc. Ngoài ra, cần sửa luật này để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, giảm gánh nặng chi phí, giảm thời gian để doanh nghiệp tuân thủ luật.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-nhac-khi-bo-sung-ho-kinh-doanh-vao-du-thao-luat-doanh-nghiep-sua-doi-597424