Cân nhắc biện pháp tự vệ để bảo hộ ngành thép

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là khi hàng loạt nhà máy sản xuất thép quy mô lớn đã và đang xin phép tiếp tục được triển khai.

Một trong các câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là: Có nên tiếp tục bảo hộ ngành sản xuất thép của Việt Nam bằng các biện pháp tự vệ thương mại, khi mà các DN sản xuất thép không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng điện năng giá rẻ? Có phải càng tăng quy mô ngành công nghiệp sản xuất thép thì hậu quả đối với môi trường lại càng nặng nề?

Hậu quả từ phong trào phát triển thép

Tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội về Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 10 tỷ USD) của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Mục tiêu của chúng ta là phải đảm bảo đồng thời sự ổn định phát triển.

Sản xuất thép ống tại Công ty CP Thép Bắc Việt. Ảnh: Trần Việt

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của các nhà máy thép những năm gần đây đã hoàn toàn đi lệch khỏi mục tiêu, định hướng và yêu cầu “phát triển bền vững” (phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường) mà Đảng và Chính phủ đặt ra. Nguy cơ dư thừa của ngành thép đã được báo động từ cách đây 6 năm khi mà chỉ sau vài năm thực hiện Quyết định 145/QĐ-CP/2007 của Chính phủ (Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến 2025) cung đã gấp đôi cầu. Đầu năm 2013, Bộ Công Thương tiếp tục phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 với mục tiêu sản xuất thép thành phẩm năm 2015 đạt khoảng 13 triệu tấn. Nhưng theo văn bản ngày 7/6/2016 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến hết 2015, năng lực sản xuất thực tế của ngành thép đã cân đối đáp ứng nhu cầu. Đáng nói nhất, nhìn chung các DN chỉ vận hành được gần 60% công suất lắp đặt. Ngay cả đợt sốt thép hồi tháng 3/2016, DN sản xuất thép xây dựng tiêu thụ nhiều nhất trong ngành cũng chưa chạm tới công suất thiết kế.

Nhãn tiền về tình trạng ô nhiễm môi trường

Cứ mỗi dự án nhà máy thép mọc lên, có thể có tới hàng nghìn người dân phải di dời, tìm kế sinh nhai và chưa kể còn ảnh hưởng đến môi trường bởi chất thải, không khí, tiếng ồn… Điển hình, sự cố Formosa (Hà Tĩnh) gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường khiến hàng nghìn ngư dân mất nghề hiện vẫn đang phải xử lý. Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025 đang khiến dư luận dậy sóng.

Để sản xuất một tấn thép, ước tính cần khoảng 0,5 đến 1 tấn xỉ; 10.000m3 khí thải; 100kg bụi và 80m3 nước thải. Trong đó, nước làm mát tại nhiều nhà máy thép thường bị nhiễm kim loại nặng và các chất phụ gia nhưng không được tái sử dụng mà thường được xả thẳng ra môi trường. Thành phần của loại nước thải này chứa nhiều chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, kim loại nặng và một số chất hữu cơ khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó bụi lò thép cũng là chất thải nguy hại (CTNH) với các tạp chất kẽm, chì, chất phóng xạ. Tuy nhiên, lượng lớn bụi thép này hiện vẫn được coi là “chất thải công nghiệp thông thường”, giúp các nhà máy thép “tiết kiệm” chi phí xử lý CTNH lên tới 100 – 400 USD/tấn bụi, tránh được việc đóng phí CTNH 6.000.000 đồng/tấn và thậm chí có thể bán lại chất thải đó với giá 300.000 đồng/tấn... Đó là còn chưa kể, những dự án thép luôn đứng đầu trong danh sách tiêu hao điện năng. Theo số liệu của VSA, để sản xuất một tấn thép hiện nay cần 500 - 600 kWh. So với nhiều nước trên thế giới (chỉ sử dụng 350 - 400 kWh/tấn) thì con số này của Việt Nam còn rất cao. Nhu cầu năng lượng lớn dẫn đến chi phí đầu tư mà xã hội phải gánh cho ngành thép là vô cùng lớn. Điện năng thiếu thì lại phải gia tăng sản xuất, tức là gây thêm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, đã đến lúc cần đánh giá đầy đủ những tác động từ việc khai thác nguyên liệu và sản xuất phôi thép đến môi trường. Trong trường hợp phôi thép nhập khẩu rẻ hơn phôi thép sản xuất trong nước thì tại sao lại bắt cả nền kinh tế phải chịu thiệt thòi để đáp ứng lợi nhuận cho một số ít công ty thép lớn? Trong khi đó, sản xuất thép trong nước sẽ bị đội giá thành và làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường.

Với những gì đang đặt ra, Chính phủ và cơ quan chức năng cần cân nhắc việc có nên tiếp tục bảo hộ ngành thép, đặc biệt là bằng tự vệ thương mại, khi mà càng tăng cường sản xuất thép thì nguy cơ phá hủy môi trường càng lớn.

DN sản xuất thép không thể có lãi nếu như bảo đảm các tiêu chuẩn xử lý xả thải ra môi trường một cách nghiêm túc. Bởi lẽ, giá thép hiện nay chỉ có khoảng 300 USD/tấn và các công ty sản xuất thép trên thế giới chỉ có lãi bằng 1,2% doanh thu. Chính vì thế khi DN “hăm hở” triển khai các dự án thép tức là họ chấp nhận việc xả thải ra môi trường để có lãi.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-nhac-bien-phap-tu-ve-de-bao-ho-nganh-thep-273590.html