Căn nguyên xung đột biên giới Trung - Ấn

Bất chấp giới chức hai nước đã đàm phán và cam kết giảm căng thẳng biên giới, nhưng các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tăng cường lực lượng tại khu vực vừa xảy ra đụng độ đẫm máu, dấy lên nguy cơ bùng nổ xung đột ngoài tầm kiểm soát của hai thế lực vũ khí hạt nhân châu Á.

Khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: AP

Khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: AP

Đáng chú ý, theo hình ảnh vệ tinh của công ty công nghệ không gian Maxar (Mỹ), phía Trung Quốc đã xây dựng thêm các cấu trúc quân sự mới gồm những boong-ke cùng với các đơn vị dự trữ và lều trại. Quân đội Trung Quốc cũng có hàng loạt cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng với sự tham gia của nhiều pháo binh, xe tăng, trực thăng, máy bay không người lái. Trong khi đó, Ấn Độ điều xe tăng T-90 Bhishma và máy bay do thám tới thung lũng Galwan, nơi mà ít nhất 20 binh sĩ nước này thiệt mạng sau cuộc chạm trán với quân Trung Quốc hôm 15-6.

Xung đột mang tên Kashmir

Thung lũng Galwan tọa lạc trên độ cao trung bình 4.200m thuộc khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố thung lũng lạnh giá không có dân cư này thuộc tỉnh Tân Cương của Trung Quốc. Sâu xa hơn, Bắc Kinh cho rằng khu vực Ladakh nằm ở biên giới phía Tây giáp Ấn Độ thuộc vùng tranh chấp Kashmir. Vùng Kashmir được liên hệ lịch sử với cái tên Aksai Chin hiện trực thuộc tỉnh Tân Cương và Tây Tạng của Trung Quốc. Tuy được Trung Quốc kiểm soát nhưng Aksai Chin vẫn được Ấn Độ tuyên bố chủ quyền và xem nó như là phần của lãnh thổ Ladakh. Đây là nguyên do chính dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt năm 1962 giữa hai nước đông dân nhất thế giới. Tuy vậy, hai bên cũng nhanh đi đến thỏa hiệp, cùng tôn trọng đường phân chia thực tế có từ thời Đế quốc Anh còn thống trị Ấn Độ.

Căng thẳng tranh chấp biên giới gia tăng trở lại khi hồi tháng 8 năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thay đổi quy chế tự trị của bang Jammu và Kashmir thành hai thực thể liên bang riêng là Jammu và Kashmir và Ladakh. Bắc Kinh dĩ nhiên đã cực lực phản đối hành động này của New Delhi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó nói rằng hành vi đơn phương và không thể chấp nhận của Ấn Độ làm xói mòn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Kashmir. Vì thế, ông Claude Rakisits, phó giáo sư danh dự của Đại học quốc gia Úc tại Canberra, nhìn nhận bước đi gây tranh cãi đó của chính quyền Modi là “chất xúc tác” tạo ra cuộc xung đột hiện nay tại thung lũng Galwan. Vụ chạm trán đẫm máu hôm 15-6 là cuộc đụng độ biên giới quy mô lớn chưa từng thấy giữa hai nước trong gần 50 năm qua.

Nói rộng ra hơn, vụ đụng độ Trung-Ấn tại Ladakh chỉ là bề nổi, còn vấn đề tranh chấp, xung đột mang tên Kashmir mới là căn nguyên, gốc rễ của mọi bất đồng, mâu thuẫn giữa các nước có tranh chấp tại đây.

Nhân tố lớn Pakistan

Trong cuộc tranh chấp Trung-Ấn ở Ladakh hiện nay, Pakistan luôn đổ lỗi cho Ấn Độ và ủng hộ Trung Quốc. Lâu nay, Pakistan và Ấn Độ thường xuyên đối mặt với nguy cơ chiến tranh tại khu vực tranh chấp Kashmir. New Delhi tỏ ra cứng rắn hơn trong tranh chấp với Islamabad, nhưng lại mềm mỏng với Bắc Kinh. Điều mà Ấn Độ lo lắng là sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan trong vấn đề tranh chấp. Rajesh Rajagopalan, giáo sư chính trị quốc tế của Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi), cho biết Ấn Độ lo ngại chiến lược phối hợp của hai nước láng giềng tấn công vùng Kashmir do New Delhi kiểm soát. “Quân đội Ấn Độ từ lâu quan ngại về trục Trung Quốc-Pakistan và khả năng đối mặt với một cuộc chiến hai mặt trận” – ông Rajagopalan nhận định.

Trung Quốc muốn tăng cường sức mạnh quân sự biên giới nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình tại khu vực Kashimir do Pakistan kiểm soát. Vùng Kashmir do Pakistan quản lý có tên gọi Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan. Đây là địa điểm then chốt trong dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỉ USD do các ngân hàng Trung Quốc tài trợ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mô tả CPEC là “dự án trọng điểm” trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh. Ngược lại, Ấn Độ kịch liệt phản đối CPEC. Thủ tướng Modi thường sử dụng các diễn đàn quốc tế, kể cả trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để nhấn mạnh rằng việc CPEC đi qua vùng Kashmir là một mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia của Ấn Độ.

Các chuyên gia đánh giá việc quân đội Trung Quốc củng cố sự hiện diện tại Ladakh về lâu dài sẽ giúp họ dễ dàng bảo vệ tài sản của CPEC trong trường hợp Ấn Độ có cuộc phiêu lưu quân sự ở Kashmir.

KIẾN HÒA

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-nguyen-xung-dot-bien-gioi-trung-an-a122753.html