Cần nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn đầu

Nghiên cứu của Chương trình đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) cho thấy, thị trường đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự phát triển và cần sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là vốn đầu tư ở giai đoạn đầu để 'chữa' tình trạng 'chết yểu' của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thị trường đầu tư khởi nghiệp của Việt Nam còn nhiều khoảng trống

Trong quá trình phát triển của một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn lớn đầu tiên là nghiên cứu thị trường, đây là tiền đề cho các bước sản xuất sản phẩm, mở rộng quy mô sau này, trong đó doanh nghiệp cần nguồn vốn song hành ngay từ giai đoạn đầu.

Trên thế giới, thành phần tham gia cung cấp vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm gia đình, bạn bè khi dự án khởi đầu và đội ngũ khởi nghiệp chưa có gì trong tay; nhà nước tham gia vào giai đoạn thử nghiệm sản phẩm, bên cạnh đó có nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm…. Khi doanh nghiệp khởi nghiệp đã lớn mạnh, họ tiếp cận các ngân hàng hoặc lên sàn IPO….

Nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước ở giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp

Trong khi đó tại Việt Nam, giai đoạn đầu sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ gia đình, bạn bè kéo rất dài, nguồn tài chính từ nhà nước gần như chưa có, trừ những nguồn vốn liên quan đến nghiên cứu phát triển và một phần liên quan đến ứng dụng công nghệ, chưa có nguồn vốn cho nghiên cứu thị trường. Phải đến giai đoạn các doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu phát triển, có khá nhiều nguồn tài chính đầu tư vào nhưng IPP2 cho rằng số lượng đó “chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam”. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến cho 80 – 90% công ty khởi nghiệp thất bại trong quá trình từ tìm hiểu thị trường đến khi bán ra sản phẩm. Nếu không có tài chính, nhiều doanh nghiệp không thể đến được bước có lợi nhuận.

Nghiên cứu của IPP2 chỉ ra rằng, thị trường đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng được quan tâm hơn. Trong khoảng thời gian 2016 – 2017, tổng số vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tăng khoảng 50%. Năm 2016 khoảng 200 triệu USD được đưa vào đầu tư cho khởi nghiệp ở Việt Nam, năm 2017 con số này đạt gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư vào khởi nghiệp của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1% số vốn đầu tư vào khởi nghiệp trên toàn ASIAN. Như vậy thị trường đầu tư khởi nghiệp của Việt Nam còn nhiều khoảng trống và cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khác nhau, trong đó nguồn hỗ trợ từ nhà nước đóng vai trò rất quan trọng.

Doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhà nước song hành từ giai đoạn đầu

Có đến 80 – 90% doanh nghiệp khởi nghiệp không có đủ nguồn vốn để sống sót đến sinh nhật tuổi thứ 2, thứ 3. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà nước cần hỗ trợ tài chính cho đối tượng nhiều rủi ro thất bại như doanh nghiệp khởi nghiệp?

Bà Phan Hoàng Lan, Trưởng nhóm nghiên cứu IPP2 khẳng định, vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đối với nền kinh tế quốc gia là rất đáng kể và các Chính phủ các nước luôn đề cao hoạt động đầu tư hỗ trợ lực lượng này.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp là những nhân tố tạo ra công ăn việc làm. Nghiên cứu tại Hoa Kỳ vào năm 1977 – 2005, số lượng việc làm tại nước Mỹ hầu hết được tạo ra bởi các công ty khởi nghiệp chứ không phải các công ty lớn. Kể cả trong giai đoạn kinh tế đi xuống, các công ty khởi nghiệp vẫn tiếp tục tạo ra nhiều việc làm trong khi các tập đoàn lớn sa thải nhiều người làm công. Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là nhân tố tạo ra đổi mới sáng tạo, tạo ra ngành nghề mới, làm nền kinh tế trở nên đa dạng hơn. Kể cả một công ty khởi nghiệp thất bại, nhân sự của nó vẫn có thể chuyển sang làm việc ở các công ty lớn với những kỹ năng đã tích lũy, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tại Việt Nam chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, bối cảnh này càng nâng cao vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn khởi đầu, đây là giai đoạn mà doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhất để có thể sống sót và phát triển. “Nhà nước cần đầu tư và chấp nhận thất bại, nhìn ra được sự đầu tư đó sẽ tạo ra lợi ích sau này, bởi giá trị mà doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể đánh giá được trong 1 – 2 tháng mà phải mất 3 – 4 năm” – bà Phan Hoàng Lan nhận định. Ở nhiều nước, đối với khoản tiền cho vay mà không trả được, Chính phủ chuyển nó thành tiền tài trợ, đây là một cách để đơn giản hóa quy trình.

Trong thời gian qua, IPP đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và phi tài chính. Những người nhận nguồn vốn đều đánh giá cao sự phù hợp và cần thiết của nguồn hỗ trợ này. Nó đã tạo ra một nguồn lực đủ để doanh nghiệp khởi nghiệp thử nghiệm một ý tưởng sáng tạo, từ đó dẫn đến những thành công sau này. Nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn ban đầu thì không bao giờ diễn ra hoạt động đánh giá thị trường và thử nghiệm ý tưởng đó. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nguồn tài chính tại giai đoạn đầu tiên đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thông qua các nghiên cứu và đánh giá thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu của IPP2 đưa ra khuyến nghị các tổ chức hỗ trợ vốn của nhà nước nên tham gia từ giai đoạn ban đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp và chấp nhận rủi ro, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp cũng như các tổ chức hỗ trợ tài chính. Khi đưa ra các chương trình hỗ trợ cho khởi nghiệp, không nên quá cứng nhắc trong việc đặt ra các yêu cầu cho doanh nghiệp. Khởi nghiệp là một thị trường rất mới đối với cả phía cung cấp tài chính và phía nhận hỗ trợ, nếu khung yêu cầu quá chặt thì rất khó để triển khai các ý tưởng sáng tạo.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp cần triển khai những mô hình mới trong hỗ trợ tài chính như quỹ nhà nước đầu tư vào các quỹ khác, mô hình gọi vốn cộng đồng, sàn trao đổi cổ phần của khởi nghiệp, kết hợp giữa tài trợ và cho vay…. Để làm được điều đó, cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc khơi thông cơ chế, chính sách. Những yếu tố này giữ vai trò thiết yếu trong việc xây dựng thị trường vốn bền vững cho khởi nghiệp.

SURF 2018- Giải bài toán “vốn khởi nghiệp” cho startup

Ngọc Mai

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/can-nguon-von-nha-nuoc-ho-tro-khoi-nghiep-sang-tao-o-giai-doan-dau-108139.html