Cần nghiên cứu thêm về bãi cọc ở Hải Phòng

Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 đã kết thúc với hàng trăm thông tin, phát hiện mới và nhiều tranh luận về bãi cọc Cao Quỳ ở Hải Phòng.

 Có nhiều ý kiến trái chiều về bãi cọc mới phát lộ ở Hải Phòng tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Mười.

Có nhiều ý kiến trái chiều về bãi cọc mới phát lộ ở Hải Phòng tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Mười.

Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 đã bế mạc ngày 30/9 tại Hải Phòng. Quá trình diễn ra hội nghị, các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa trên toàn quốc đã thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học với 341 bài viết. Trong các phát hiện mới, đáng lưu ý là bãi cọc ở huyện Thủy Nguyên vừa phát lộ vừa qua với nhiều ý kiến tranh luận.

Theo kết quả bước đầu của đoàn khai quật (Viện khảo cổ học), bãi cọc ở Thủy Nguyên không phải là cọc kiến trúc, cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh. Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Sau khi các đại biểu đi tham quan thực tế và nghe báo cáo của đoàn khảo sát, nhiều nhà khoa học đã có ý kiến đóng góp thẳng thắn dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm. Về xác định niên đại những chiếc cọc ở Cao Quỳ, Viện khảo cổ học đã thực hiện xét nghiệm mẫu bằng phương pháp đồng vị Carbon C14, trong đó có 1 mẫu do người dân gửi lên. Các mẫu gửi phân tích đều thuộc về loại cây thân cổ, có kích thước lớn và niên đại của các mẫu gỗ này tương đối khác nhau (trên 700 năm).

Nhiều nhận định khác nhau về những chiếc cọc mới phát lộ tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: VKCH.

Việc này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên, người có hơn 30 năm nghiên cứu về những chiếc cọc cho rằng, đoàn khảo sát còn nhiều sai sót, kết quả giám định chưa khẳng định chính xác 100%. “Tôi thấy 1 vấn đề rất lớn ngay từ đầu của đoàn khảo sát, khi Viện khảo cổ học đưa kết quả C14 thì là người đầu tiên không tin và tôi đề nghị làm tiếp nhiều mẫu khác. Tôi đề nghị là tiếp tục lấy mẫu nghiên cứu, trên cơ sở sử liệu, khảo cổ học và những nghiên cứu của chúng tôi liên quan đến trận chiến năm 1288 trên sông Bạch Đằng. Tôi nghiêng về giả thiết là bãi cọc, tuy nhiên không chắc chắn 100%” – Tiến sĩ Liên nói.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học): "Việc xác định niên đại cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị carbon C14, không phải là kết quả cuối cùng, mà chỉ để tham khảo đối với các nhà khoa học. Muốn có kết quả cuối cùng phải cần có các cuộc nghiên cứu liên đa ngành. Bây giờ chỉ mới bắt đầu được một năm nên cần phải nghiên cứu thêm".

Về việc bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận chiến Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông hay không, cơ bản chưa nhà khoa học nào dấm khẳng định. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện khảo cổ học), thẳng thừng: “Bây giờ tôi chưa biết là nên gọi là bãi cọc hay chưa? Cá nhân tôi nghĩ như thế. Theo cảm quan của tôi là ở một số chỗ rõ ràng cột của nó thẳng hàng thẳng lối, có vấn đề của một cái nhà cổ. Tôi không khẳng định được là đóng cọc của 1 trận thủy chiến, đóng cọc đáy…”.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học) thì nhận định việc kết luận sớm về bãi cọc Cao Quỳ là vội vàng, khu vực phát hiện bãi cọc có thể là vịnh cổ, không phải dòng sông cổ. Cần có các nhà địa chất vào cuộc, khôi phục lại địa lý, cảnh quan và môi trường khu vực này như thế nào để xác định dòng chảy khu vực, cần làm sâu hơn nữa để đi đến kết luận cọc này có liên quan đến các trận chiến trên sông chống giặc ngoại xâm không .

GS. TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Trong khi đó, là người có mặt tại bãi cọc những ngày đầu tiên, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam lại cho rằng kết luận bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận địa 1288 là có cơ sở. Nơi phát hiện ra bãi cọc là vùng có vị trí trọng yếu, thời kỳ nào cũng phòng thủ ở đây, trước Công nguyên đến thời kỳ Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và sau này, tuy nhiên cũng cần tiếp tục nghiên cứu thêm.

“Nằm trên đường di chuyển các chiến thuyền của địch, chúng ta khó có thể hoài nghi rằng, bãi cọc này không liên quan đến bãi cọc của Trần Hưng Đạo, tất nhiên, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu. Chúng ta nên hợp tác với nhau để làm rõ kỳ tích, kỳ công của tổ tiên trên tinh thần tôn trọng kết quả nghiên cứu của nhau. Nếu như kết quả nghiên cứu chưa thống nhất thì chúng ta ngồi lại với nhau để cùng thảo luận” – GS Ngọc đề nghị.

Bãi cọc Cao Quỳ đã được các nhà khoa học tiến hành 2 đợt khảo sát. Đợt khảo sát lần 1 từ 16-19/10/2019 do Viện Khảo cổ học; khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; Hội Khảo cổ học Việt Nam; Bảo tàng thành phố Hải Phòng; UBND huyện Thủy Nguyên, xã Liên Khê. Khu vực khảo sát là một doi đất cao ven bờ của dòng sông Đá Bạc, có thể có hướng bắc - nam, hơi chếch theo hướng đông bắc-tây nam.

Đợt khảo sát lần 2, từ 8-9/11/2019, đơn vị thực hiện là Viện Khảo cổ học; Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng; UBND huyện Thủy Nguyên, xã Liên Khê. Kết quả đã phát hiện được 9 cọc, gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Cọc phân bố so le, không thẳng hằng, cách nhau theo chiều đông - tây khoảng 5-7m, chiều bắc - nam 3,5-5m. Đường kính cọc: 26-46cm, 1 cọc đường kính 14cm. 4 cọc nằm ngiêng 20-450 theo các hướng tây, nam.

Liên quan đến bãi cọc này, khi mới chỉ có kết quả giám định C14 nhưng TP Hải Phòng đã khởi công dự án Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680m², bao gồm 2 hạng mục: khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, có tổng mức đầu tư hơn 427,5 tỷ đồng. Trong đó, Dự án xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) được ông Lê Khắc Nam chỉ đạo hoàn thiện vào cuối tháng 9/2020 khi đi kiểm tra thực địa dự án.

ĐINH MƯỜI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/can-nghien-cuu-them-ve-bai-coc-o-hai-phong-d274223.html