Cần nghiên cứu kỹ trước khi quá muộn

Những ngày qua, thông tin về dự án bất động sản và bến du thuyền (dự án Marina Complex) 'lấn sông Hàn' tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng được dư luận hết sức quan tâm. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về địa phương tìm hiểu...

Dự án Marina Complex được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới tại Quyết định số 6652/QĐ-UBND ngày 28-8-2009, với diện tích 175.012m2, trong đó, diện tích sử dụng đất phần đất liền là 105.520m2, diện tích sử dụng đất phần mặt nước 69.492m2; giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án. Năm 2011, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch lần đầu tại Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 26-1-2011, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè Mân Quang trở vào trong, tổng diện tích dự án 175.588m2, trong đó, diện tích phần đất liền 105.520m2, diện tích đất mặt nước, cầu tàu là 63.003m2; khu vực phía sông quy hoạch 13 khối tháp cao tầng (từ 16 đến 33 tầng) và các công trình bảo dưỡng du thuyền; đất công viên, cây xanh: 7.065m2.

 Hình ảnh tại khu vực dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng.

Hình ảnh tại khu vực dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng: Qua các lần điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 5559/QĐ-UBND ngày 3-8-2015, Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 3-2-2017 và lần gần đây nhất tại Quyết định số 5197/QĐ-UBND ngày 15-9-2017, dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng: Tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.311m2, trong đó, diện tích phần đất liền 107.311m2; diện tích phần mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m2 còn 10.000m2. Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy (do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý) tăng từ 30m lên 60-200m, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy; tăng diện tích công viên, cây xanh từ 7.065m2thành 24.415m2; khu vực phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 2 khối tháp (chiều cao từ 16 đến 33 tầng) và 57 căn biệt thự, góp phần giảm áp lực về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại khu vực; bố trí lối đi công cộng ven sông rộng 8m, không xây dựng tường rào và cổng vào khu vực phía sông tạo thuận tiện cho người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông. Dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 6039/QĐ-UBND ngày 27-10-2017.

Tại hiện trường chúng tôi nhận thấy, chủ đầu tư đã thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực phía đông đường Lê Văn Duyệt và một số công trình nhà liền kề; khu vực ven sông Hàn, phía tây đường Lê Văn Duyệt đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, như: Đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện...

Liên quan đến thông tin cho rằng “doanh nghiệp lấn sông, phân lô bán nền”, bà Trương Thị Thêu, Phó giám đốc Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng (đơn vị chủ đầu tư) khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn không bán nền và đã làm đúng theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP. Chúng tôi chấp hành nghiêm xây nhà và hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, cây xanh, điện, nước, ra sản phẩm bàn giao nhà cho khách hàng từ năm 2017-2018 và hiện nay đang tiếp tục xây dựng, giao nhà cho khách hàng. Dự án kè mục đích bảo vệ, chống sạt lở lòng sông Hàn. Nhà nước đã thi công khoảng 5.270m/6.000m, chúng tôi chỉ thi công tiếp 730m nối tiếp để hoàn thành theo thiết kế và quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban, ngành liên quan đã phê duyệt từ năm 2008. Đoạn kè 730m/6.000m của chúng tôi thi công hoàn toàn không lấn sông, không làm ảnh hưởng dòng chảy…”.

Theo các chuyên gia và những người dân sống lâu năm tại TP Đà Nẵng, việc triển khai dự án trên sẽ thu hẹp lòng sông Hàn, ảnh hưởng tới dòng chảy cũng như cảnh quan, vẻ đẹp thơ mộng hai bên bờ sông Hàn. Đề cập về vấn đề này với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chiều 18-4, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam cho rằng: Trước đây, vào mùa mưa lũ, nước chảy tràn lên đồng ruộng phía tây đường Ngô Quyền từ An Hải Tây, Nại Hiên Đông, Thọ Quang ra Vũng Thùng, chảy ra biển. Tuy nhiên bây giờ, khu vực này đã đô thị hóa, dòng chảy về mùa cạn hay mùa mưa lũ cũng chỉ còn lòng sông Hàn. Việc đắp lấn, thu hẹp dòng chảy của lòng sông sẽ gây tác hại to lớn. Đây là khu vực cửa sông nên có cả nước thủy triều vào và nước ra khi mùa mưa đến. Lưu lượng lớn, tốc độ chảy cao mà cửa sông hẹp tất nhiên nước sẽ đào các hầm hố, hàm ếch trong lòng để thoát, chúng ta không nhìn thấy được. Vài ba năm nữa nó xói mòn thành hầm hố phía dưới, đất bên trên không chịu được sức nặng sẽ sập đổ là điều không tránh khỏi. Việc xây kè hai bên bờ sông để giữ sạt lở chỉ là tạm thời. Do đó, để không xảy ra các thảm họa sạt lở sau này, cần tháo dỡ tất cả các công trình đã lấn sông trên địa bàn thành phố, trả lại vẻ tự nhiên cho các dòng sông.

Trước sự việc trên, chúng tôi cho rằng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ, du lịch là cần thiết nhưng phải tính toán kỹ giữa cái được trước mắt và tác hại lâu dài. Vì vậy, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cần rà soát lại quy hoạch khu vực trên để có hướng xử lý kịp thời, phù hợp.

Chiều 19-4, UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 2524/UBND-QLĐTh liên quan đến dự án Marina Complex. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan làm việc với nhà đầu tư tạm dừng triển khai dự án để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý; tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành Trung ương có liên quan đến việc triển khai xây dựng dự án; báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 3-5.

Bài và ảnh: THÀNH NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/can-nghien-cuu-ky-truoc-khi-qua-muon-572103