Cần nghiêm khắc xử lý để thức tỉnh, nâng cao trách nhiệm

Suốt 9 tiếng hoảng loạn, sợ hãi, thiếu ôxy nghiêm trọng và sốc nhiệt trong một thời gian dài, em bé 3 tuổi ở lớp mầm non tư thục Đồ Rê Mí, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã sống sót một cách kỳ diệu. Em bé may mắn khi được cấp cứu vô cùng kịp thời từ các cán bộ y tế cơ sở.

Đây là vụ bỏ quên trẻ thứ hai trong hơn 1 tháng qua khi mà cái chết đau đớn của học sinh lớp 1 Trường Gateway còn chưa lắng xuống khiến dư luận lại phẫn nộ, bàng hoàng.

Sống sót kỳ diệu từ cấp cứu ban đầu

Trưa 16-9, khi nhận được thông báo sức khỏe của con từ bác sĩ với tiên lượng tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới, cha mẹ và gia đình cháu Nguyễn Tấn Lợi (3 tuổi, ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh) mới thở phào. Ba ngày qua, với họ là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Chỉ nghĩ tới một em bé mới 3 tuổi phải chống chọi trong xe suốt 9 tiếng, bất cứ ai cũng đau xót.

Thông tin tới báo chí về sức khỏe của cháu bé, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết, tối 13-9, bệnh viện tiếp nhận cháu Nguyễn Tấn Lợi trong tình trạng sốt, lơ mơ, suy hô hấp. Qua theo dõi và điều trị trong 48h, sáng 16-9, bệnh nhi đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt với cha mẹ, các chức năng dần ổn định, tri giác tốt.

Chi sẻ về sự sống sót kỳ diệu của cháu bé 3 tuổi bị “nhốt” trong xe ôtô suốt 9 tiếng, TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương cho biết, trước tiên là công tác cấp cứu ban đầu của y tế tuyến dưới đã làm rất tốt.

Nhóm lớp mầm non Đồ rê mí đã bị tạm đình chỉ.

Nhóm lớp mầm non Đồ rê mí đã bị tạm đình chỉ.

Khai thác tiền sử người nhà bệnh nhân cho thấy, cháu bé được gia đình gửi trẻ lúc 6h30 ngày 13-9. Đến 15h30, bố cháu bé nhận được điện thoại từ cơ sở trông trẻ nói con đang trong tình trạng cấp cứu. Khi tài xế phát hiện cháu bé bị bỏ quên trong xe đã đưa đến phòng khám gần khu vực nhà trẻ và được các bác sĩ sơ cứu kịp thời. Sau đó, bé được chuyển lên Bệnh viện huyện Tiên Du và được êkip bác sĩ ổn định chức năng, rồi nhanh chóng chuyển tới BV Sản Nhi Bắc Ninh.

Theo bố cháu bé cho biết, lúc anh chạy tới viện gặp con, bé đã rơi vào hôn mê, gọi không biết. “Bệnh viện Sản Nhi cấp cứu ban đầu cho bé rất tốt, bé được thở ôxy, có chức năng sống và chuyển lên BV Nhi Trung ương” – BS Tuấn nói.

Tại BV Nhi Trung ương, sau khi thăm khám một số chức năng, cơ quan của trẻ, các bác sĩ đã thống nhất đây là bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn về sốc nhiệt. “Cụ thể, trẻ có biểu hiện rối loạn sốc nhiệt, mất ý thức, hôn mê, đông máu, có biểu hiện suy thận, tiêu cơ vân. Các bác sĩ đã tiếp tục chức năng tuần hoàn cho cháu. Sau khi điều trị theo phác đồ bệnh viện, bé không phải thở ôxy”- BS Tuấn cho biết.

Lo ngại suốt 9 tiếng trong xe bị thiếu ôxy, cháu bé 3 tuổi có bị ảnh hưởng sức khỏe sau này hay không, Bệnh viện Nhi Trung ương đã mời chuyên gia tâm lý đánh giá chức năng của trẻ. Kết quả cháu tỉnh, tiếp xúc tốt, duy chỉ còn viêm phổi đang phải điều trị vì trước đó cháu đã hôn mê. “Chụp CT của cháu, tri giác tỉnh táo, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh khu trú, không có tổn thương sọ não. Tiên lượng với bệnh nhi khá tốt, có thể được xuất viện trong vài ngày tới” - PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.

Nhiều người đặt câu hỏi, với cháu bé 3 tuổi sau khi phải chịu 9 tiếng thiếu ôxy trong xe, thời gian sốc nhiệt dài mà cháu lại sống sót, trong khi cháu bé 6 tuổi học Trường Gateway lại không qua khỏi? PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, tình trạng sốc nhiệt còn phụ thuộc vào thể trạng của từng trẻ cũng như điều kiện thời tiết bên ngoài.

Theo tài liệu y văn, trẻ em có tình trạng tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn, có nguy cơ mất nước cao hơn. Rất may mắn trong trường hợp này các chức năng của cháu bé vẫn còn, tim còn đập, chỉ có tri giác là lơ mơ. Đây là điều kỳ diệu đã khiến em bé sống sót khi được cấp cứu kịp thời.

Siết chặt quản lý - không thể nói suông

Bàng hoàng và đau xót là những gì mà dư luận đang trải qua khi trong vòng 1 tháng xảy ra 2 vụ bỏ quên trẻ trong xe nghiêm trọng. Bài học Gateway vẫn chưa cảnh tỉnh đối với cơ sở mầm non này. Đặc biệt, suốt 9 tiếng trẻ bị “nhốt” trong xe không chỉ tài xế thấy thiếu học sinh, mà giáo viên không thấy học sinh tới lớp cũng không liên lạc với phụ huynh để nắm tình hình tại sao trẻ không tới trường. Vụ việc này đã lặp lại sai lầm, cả sự thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm tương tự như Gateway.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 16-9, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Phòng GD&ĐT huyện Tiên Du đã có báo cáo gửi Sở GD&ĐT về vụ việc. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Tiên Du, vào lúc 17h30 ngày 13-9, khi nhận được báo cáo về sự cố, Phòng GD&ĐT huyện đã cử cán bộ đến nắm bắt tình hình sự việc và yêu cầu chủ nhóm tường trình toàn bộ sự việc.

Theo tường trình của chủ nhóm trẻ, bà Dương Thị Hợp,vào lúc 6h30 ngày 13-9, ông Nguyễn Công Ty, chồng bà, đã lái xe đón 9 trẻ tại các gia đìnhvà đưa các bé tới lớp vào khoảng 8 giờ. Do sơ suất nên đã để quên cháu Nguyễn Tấn Lợi.

Cho đến khoảng 15h cùng ngày, khiphát hiện cháu trên xe, chủ nhóm đã đưa trẻ đến phòng khám tư nhân thị xã Từ Sơn. Lúc này, chủ cơ sở đã thông báo với gia đình và cùng gia đình đưa cháu lên cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh; sau đó tiếp tục đưa cháu ra điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngay trong ngày 16-9, Chủ tịch xã Hoàn Sơn đã ký quyết định thông báo tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở để phục vụ công tác điều tra.

Nhóm trẻ độc lập tư thục Đồ Rê Mí hoạt động từ năm 2018. Đây là cơ sở được đánh giá có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất trên địa bàn huyện, với 4 lớp, 70 trẻ, trong đó hơn 10 bé đăng ký dịch vụ đưa đón tận nhà. Xe đưa đón học sinh của gia đình chủ cơ sở và do chồng chủ cơ sở lái. Hiện chiếc xe đang được Công an tạm giữ để điều tra, làm rõ.

Cũng theo Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, ngay trong ngày 16-9, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt là đối với các trường có sử dụng xe ôtô đưa đón học sinh.

Sau một tháng xảy ra vụ Gateway, việc siết chặt quản lý xe đưa đón học sinh dường như chỉ hô hào suông, bởi vụ việc tương tự lại xảy ra ngay sau đó. Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hồng Phú (Hà Nội) cho biết, cần phải có phần mềm kiểm soát tự động học sinh lên xuống xe, vì đây là hình thức đưa đón ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, ở các nước tiên tiến đều làm như vậy.

Ở Nhật Bản, chỉ những người thực sự tốt theo bảng xếp hạng công dân mới được làm nghề đưa đón trẻ. “Vấn đề đặt ra cho toàn xã hội là cần phải quản lý theo kiểu mới. Chính phủ chuyển chức năng tổ chức thực hiện (làm thay tổ chức, cá nhân) sang chức năng kiến tạo phục vụ. Vì vậy cần ban hành Luật các tổ chức xã hội” - luật sư Hùng cho biết.

Cũng theo luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hồng Phú: Ở vụ việc này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho cháu bé thuộc về nhà trường. Tùy mức độ tổn hại sức khỏe của cháu bé mà lái xe có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, nếu tổn thương của cháu bé không thể nhận thức được, hoặc hoảng loạn lúc bình thường, lúc tâm thần thì cần xem xét trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích cho người khác theo Điều 134 BLHS. Vì trách nhiệm của tài xế, của người đưa đón trẻ phải kiểm tra trước khi vào lớp, nhưng đã không thực hiện trách nhiệm của mình là biết rõ nguy cơ trẻ bị tử vong, cố ý bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Trần Hằng – Thanh Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/can-nghiem-khac-xu-ly-de-thuc-tinh-nang-cao-trach-nhiem-561913/