Cần ngăn chặn và xử nghiêm nạn phá hoại cây trồng ở Đắk Lắk

Công an thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phối hợp với Công an xã Hòa Thắng và các ngành chức năng ở địa phương khám nghiệm hiện trường và khẩn trương truy tìm đối tượng đã chặt phá hơn 300 cây cà-phê sắp cho thu hoạch của một hộ dân ở xã Hòa Thắng.

Một vườn cà-phê đang cho thu hoạch ở huyện Cư M’gar bị phá hoại gây thiệt hại nặng.

Một vườn cà-phê đang cho thu hoạch ở huyện Cư M’gar bị phá hoại gây thiệt hại nặng.

Vườn cà-phê với hơn 300 cây gần hai năm tuổi bị chặt phá ngang gốc là của gia đình ông Võ Đình Hồng, trú tại thôn 7, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Diện tích cà-phê này được gia đình ông Võ Đình Hồng trồng tái canh năm 2016, đang trong chu kỳ ra hoa vụ đầu tiên. Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, vườn cà-phê đã bị kẻ xấu chặt đứt ngang thân, không thể cứu vãn.

Nhìn vườn cà-phê bị chặt phá nằm ngổn ngang, ông Hồng không cầm được nước mắt nói: “Để kiến thiết được vườn cà-phê này, gia đình tôi phải tốn hàng chục triệu đồng đầu tư và mất gần hai năm chăm sóc, nhưng giờ tất cả đã tiêu tan. Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã trình báo lên chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương vào cuộc sớm điều tra làm rõ vụ việc, đưa đối tượng ra xử lý để người dân chúng tôi yên tâm lao động sản xuất”.

Đây là vụ chặt phá vườn cà-phê mới nhất xảy ra trong năm 2018. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung liên tục xảy ra các vụ phá hoại cây trồng, tập trung chủ yếu là vườn cà-phê, hồ tiêu, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Gần đây nhất là vào sáng 20-7-2017, anh Nguyễn Văn Minh, trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú, Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk nhận được điện thoại báo rẫy cà-phê của mình tại tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú bị hàng chục người đang chặt phá. Ngay lập tức, anh Minh vội vàng chạy tới để xem thì phát hiện có khoảng 10 thanh niên người Ê đê đang chặt phá cà-phê nên đã yêu cầu phải dừng ngay lại. Tuy nhiên, nhóm này cho biết đã được bà Trần Thị Ngọ, trú tại thị trấn Quảng Phú thuê đến chặt nên vẫn tiếp tục chặt phá. Lúc này, anh Minh vội vàng chạy tới cầu cứu cơ quan công an.

Khi cơ quan chức năng tới hiện trường thì đã có 445 cây cà-phê bị chặt phá. Qua quá trình xác minh, cơ quan điều tra Công an huyện Cư M’gar xác định bà Trần Thị Ngọ đã thuê người chặt phá vườn cà-phê của anh Minh do mâu thuẫn cá nhân.

Trước đó, ngày 21-6-2017, gia đình chị H’Oen Pang Ting, sinh năm 1990, trú tại buôn DLei, xã Đác Nuê, huyện Lắc và gia đình anh Y Phong Bhốc, sinh năm 1992, trú tại buôn Triết, xã Đác Nuê, huyện Lắc, tỉnh Đắk Lắk đến thăm rẫy cà-phê tại lô 2, khoảnh 7, tiểu khu 1406 thuộc buôn DLei, xã Đác Nuê phát hiện 226 cây cà-phê trồng năm 2016 bị chặt phá và 115 cây cà-phê trồng năm 2017 bị nhổ, gây thiệt hại nặng nề. Ngay sau đó, cả hai gia đình đã trình báo chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương vào cuộc tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra, xử lý kẻ xấu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trước đó không lâu vào ngày 10-5-2017, bà Lương Thị Oanh, sinh 1972, trú tại thôn 6A, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo khi đi thăm rẫy cũng phát hiện vườn tiêu của gia đình mình tại khu vực Lồ ô, thuộc xã Cư Amung, huyện Ea H’Leo bị khô ngọn, héo lá từ trên xuống dưới, làm hư hại gần 600 trụ tiêu trồng vào tháng 6-2014, gây thiệt hại hơn 400 triệu đồng.

Cũng trong thời gian này, anh Lê Văn Huân, sinh năm 1980, trú tại thôn 3B, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo phát hiện vườn tiêu của nhà mình cũng tại khu vực Lồ ô, thuộc xã Cư Amung, huyện Ea H’Leo với tổng cộng 265 trụ tiêu giống Vĩnh Linh trồng vào tháng 6-2016 bị khô ngọn, héo lá, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bà Oanh và anh Huân cho rằng, tình trạng hàng trăm trụ tiêu của hai gia đình trên địa bàn xã Cư Amung, huyện Ea H’Leo bị chết đột ngột, bất thường là do bị kẻ xấu phá hoại. Vì vậy, bà Oanh và anh Huân đề nghị cơ quan Công an huyện Ea H’leo tích cực vào cuộc điều tra xử lý để người dân yên tâm sản xuất.

Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo phối hợp các ngành chức năng của huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập mẫu dây tiêu và khẩn trương điều tra xác minh làm rõ vụ việc hàng trăm trụ tiêu bị chết đột ngột, bất thường xảy ra trên địa bàn xã Cư Amung, nghi do bị kẻ xấu phá hoại. Thế nhưng, đến nay các cơ quan chức năng của huyện Ea H’leo vẫn chưa tìm ra thủ phạm, khiến người dân hết sức hoang mang và lo lắng.

Tình trạng phá hoại cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Điều đáng nói là nhiều vụ việc, mặc dù các cơ quan chức năng ở địa phương đã tích cực vào cuộc điều tra nhưng không tìm ra đối tượng phá hoại hoặc một số vụ việc tìm ra được đối tượng phá hoại nhưng mức xử lý còn nhẹ khiến tình trạng phá hoại vườn cây vẫn tiếp tục tái diễn, gây thiệt hại nặng nề và tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Tình trạng phá hoại vườn cây trồng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề và bức xúc cho nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân với nhau và phần lớn các vụ chặt phá cây trồng xảy ra ban đêm, ở vùng sâu, vùng xa nên gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý. Để ngăn chặn được tình trạng này, trước hết người nông dân cần cảnh giác để bảo vệ tài sản của gia đình mình. Về phía lực lượng Công an, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn và Công an các huyện, thành phố đến công an xã, phường tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; khi xảy ra các vụ phá hoại vườn cây sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại để răn đe chung”.

Nhân Dân

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/can-ngan-chan-va-xu-nghiem-nan-pha-hoai-cay-trong-o-dak-lak-post17418.html