Cần nâng cao tính chiến đấu, tính Đảng trong các tổ chức Đảng

Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'…

Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về vấn đề suy thoái đạo đức trong Đảng cũng như những giải pháp để tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.

+ Thưa ông, trong thời gian qua, dư luận khá bức xúc về những hiện tượng tham nhũng, thoái hóa biến chất trong một bộ phận cán bộ Đảng viên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra, đó là nguy cơ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Ông có thể cho biết, những nguyên nhân của tình trạng này?

- Biểu hiện này Hội nghị TƯ 4 khóa 11 đã nhận định. Trong tiến trình đổi mới, Đảng ta hết sức chăm lo đến công tác Chỉnh đốn Đảng và đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng trên thực tế, vẫn bộc lộ một số yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, một trong những yếu kém đó là suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Tổng Bí thư đã chỉ rõ sự tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đó cũng chính là thực tế mà chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra nguyên nhân để quyết tâm sửa chữa.

Đó cũng là mong muốn của toàn Đảng, toàn Dân để làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là Đảng cầm quyền, được nhân dân tin cậy suốt hơn 80 năm qua.

Nguyên nhân của sự suy thoái đạo đức trong cán bộ, Đảng viên thì có nguyên nhân khách quan, và nguyên nhân chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là tác động từ hoàn cảnh bên ngoài vào nội bộ Đảng, vào từng cán bộ Đảng viên. Từ kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường thì yếu tố thị trường đã chi phối rất nhiều đến các mặt của đời sống xã hội. Mặt khác những yếu tố tiêu cực từ hội nhập quốc tế cũng tác động vào…Tất cả các tác động khách quan đó làm cho Đảng viên chưa thích ứng kịp, hoặc chưa chuẩn bị một cách chu đáo để thích ứng với hoàn cảnh khách quan đó, nên đã dẫn đến những sai lầm, khuyết điểm.

Nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Theo tôi công tác giáo dục trong Đảng chưa thật hiệu quả, kỷ luật của Đảng và pháp luật chưa nghiêm. Chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách nghiêm túc.

GS Nguyễn Trọng Phúc: cần có cơ chế giám sát quyền lực của các Đảng viên

+ Đã có con số 74 nghìn cán bộ, Đảng viên bị xử lý kỷ luật, tại sao ông lại nói là chưa nghiêm?

- Xử lí kỉ luật Đảng có mấy hình thức: cao nhất là cách các chức vụ Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng. Tiếp nữa là mức độ cảnh cáo, khiển trách, rồi mức độ phê bình.

Trong số 74 nghìn cán bộ, Đảng viên bị xử lý này, có một thực tế là kỉ luật thì rất là rõ rồi, mức độ nào vi phạm thì phải thi hành kỉ luật Đảng, hay xử lý trước pháp luật thì cũng rõ rồi. Nhưng khi phát hiện, đưa những đương sự đối tượng vào hình thức kỉ luật, pháp luật thì vẫn có những trở ngại. Trở ngại quan trọng nhất của là tính chiến đấu, tính Đảng trong các tổ chức Đảng chưa cao. Nên sinh hoạt Đảng nhiều khi người ta im lặng, không nói gì cả, dĩ hòa vi quý. Điều đó chứng tỏ tính Đảng, tính chiến đấu trong sinh hoạt của tổ chức Đảng ngay từ chi bộ đã yếu rồi. Lại lên đến các hình thức, tổ chức cấp ủy như là cấp cao hơn nữa cũng bị chi phối. Dĩ hòa vi quý rồi nể nang, ngại đấu tranh, ngại va chạm và đây cũng là tâm lí của người Việt Nam mình, rất ngại va chạm, ngại đấu tranh.

Còn một nguyên nhân nữa, theo tôi và bây giờ dư luận cũng nói nhiều. Đó là bắt đầu định hình ra những mối quan hệ ngay trong nội bộ Đảng, bộ máy chính quyền nhà nước mà ta gọi đó là lợi ích nhóm, hay nhóm lợi ích. Điều đó lại chi phối bởi một yếu tố mà cũng nhiều người đề cập là chủ nghĩa thân hữu, vị thân. Dẫn tới những chuyện trước hết phải hậu duệ, rồi đến quan hệ, rồi đến tiền tệ, sau nữa mới đến trí tuệ.

Những yếu tố này, nếu Đảng không khắc phục được những biểu hiện đó thì sinh hoạt hoạt trong nội bộ Đảng, phê bình, tự phê bình, xử lí kỉ luật Đảng sẽ bị cản trở, thậm chí nó rơi vào hình thức, nó ít mang lại hiệu quả.

Vì thế, theo tôi, hai biểu hiện trên đang cản trở đấu tranh phê bình, tự phê bình, làm trong sạch Đảng, làm cho Đảng mạnh lên để nâng cao được tính chiến đấu của Đảng.

+ Vậy làm gì để đẩy mạnh tính chiến đấu trong Đảng, để tăng niềm tin của dân với Đảng, thưa ông?

- Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo bằng đường lối, cương lĩnh. Vì vậy, cương lĩnh, đường lối của Đảng phải xây dưng nhà nước pháp quyền, thế chế hóa thành luật pháp, đảm bảo đúng lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân.

Người cán bộ đảng viên phải nói đi đôi với làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì mới mang lại hiệu quả được.

Với cán bộ tham nhũng, lãng phí rồi thoái hóa, biến chất về lối sống, rồi bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động đi ngược lại đường lối của Đảng, ngược lại cương lĩnh, ngược lại lí tưởng, mục tiêu đấu tranh cách mạng của dân tộc thì đương nhiên trong mắt của quần chúng nhân dân, anh ta không còn là người lãnh đạo nữa, anh ta không còn là người cộng sản nữa.

Từ đó, suy ra một điều rất quan trọng hiện nay là làm sao củng cố được niềm tin của Đảng như dân đã tin Đảng trong suốt tiến trình lịch sử từ trước đây. Đây chính là vấn đề sống còn của Đảng.

+ Như ông nói đến cơ chế giám sát đảng viên hiện nay, không có ai giám sát mà chúng ta tự giám sát chúng ta. Vậy theo ông đề xuất thì công tác giám sát trong tương lai phải như thế nào để phù hợp với tình hình mới hiện nay?

- Theo tôi phải nhấn mạnh kiểm tra giám sát, ngay trong nội bộ đảng, tức là tổ chức đảng phải giám sát những cán bộ, đảng viên mà mình đã giao chức vụ, quyền hạn cho họ. Tôi thí dụ ở Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao cho những người làm Bộ trưởng hay cấp trưởng một ngành, phụ trách một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước thì phải có cơ chế, có cách giám sát quyền lực. Không nên và không phải là giao cho họ quyền lực rồi kệ họ muốn làm gì thì làm. Đảng phải giám sát, ở cấp dưới cũng thế, ở tỉnh, ở huyện, ở xã cũng thế, tổ chức Đảng phải trực tiếp giám sát. Đấy là một nhiệm vụ quan trọng mà theo tôi kỳ này phải xây dựng thành cơ chế và tổ chức giám sát, thực hiện thật tốt.

+ Xin cảm ơn ông!

Hà An (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/can-nang-cao-tinh-chien-dau-tinh-dang-trong-cac-to-chuc-dang-218871.html