Cần nâng cao tiêu chuẩn về môi trường cho đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam

Chất lượng đồ gỗ hiện nay không chỉ được đánh giá trong phần cứng của sản phẩm mà bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm, từ nguồn gốc gỗ, các loại hóa chất sử dụng trong quá trình chế tác.

Sản xuất gỗ phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Sản xuất gỗ phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Để sản phẩm đồ gỗ Việt Nam có thể xâm nhập vào các thị trường quốc tế khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... việc tuân thủ những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Tiêu chuẩn khí thải độc hại trong sản phẩm đồ gỗ nội thất và vật liệu xây dựng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI – HCM) phối hợp với tổ chức Underwriters Laboratories Hoa kỳ (UL) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 7/3.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tuy nhiên rất ít người, kể cả các doanh nghiệp hiểu biết đầy đủ các chuẩn mực về an toàn cơ học và các hóa chất độc hại tiềm ẩn trong sản phẩm.

Theo đó, chất lượng đồ gỗ hiện nay không chỉ được đánh giá trong phần cứng của sản phẩm mà bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm, từ nguồn gốc gỗ, các loại hóa chất sử dụng trong quá trình chế tác, sự an toàn cho người lao động, trách nhiệm về xã hội và môi trường của nhà sản xuất.

Khí thải độc hại có trong keo, dầu, sơn trang trí được xem là tác nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu chí an toàn về mặt môi trường của sản phẩm đồ gỗ. Tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… đều có tiêu chuẩn cụ thể cho hàm lượng khí thải độc hại, buộc nhà sản xuất phải tuân thủ, có sự đánh giá, chứng nhận của bên thứ ba và lưu giữ hồ sơ.

Tại Việt Nam, hàm lượng phát thải khí độc hại đã được quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/09/2014 của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, tuy nhiên quy định về hàm lượng phát thải khí độc hại của Việt Nam cần phù hợp hơn với tiêu chuẩn của các thị trường đòi hỏi cao về tiêu chí môi trường.

Ông Derek Massaa, chuyên gia của UL cho biết, ngày càng có nhiều chất phát thải độc hại xuất phát từ vật dụng gia đình, vì vậy người tiêu dùng đặc biệt quan tâm tới yếu tố an toàn của các vật dụng, đặc biệt là vật dụng được trang trí bởi chất phủ sơn, dầu như đồ gỗ.

Tại Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ đồ gỗ phải chịu trách nhiệm truy xuất nguồn gốc trước khách hàng, đó là lí do các sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải có hồ sơ đảm bảo sản phẩm tuân thủ các điều kiện của chuỗi cung ứng.

Đánh giá về các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, ông Lê Tân, đại diện Công ty Nam Trân cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú ý đến chất lượng cơ học và mẫu mã của sản phẩm mà chưa quan tâm nhiều tới tiêu chuẩn về môi trường.

Mặt khác, chi phí để kiểm tra hàm lượng khí thải độc hại của các sản phẩm đồ gỗ quá cao cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà. Đó là lý do vì sao sản phẩm gỗ Việt Nam mới chỉ cạnh tranh về giá cả mà chưa thể cạnh tranh về giá trị gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng, đồ gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường và giá trị xuất khẩu khi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Để chủ động vượt qua các hàng kỹ thuật và nâng cao khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam phải kịp thời cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng và tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của chuỗi cung ứng sản phảm toàn cầu.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam đạt 7,3 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 40% tổng kim ngạch./.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/can-nang-cao-tieu-chuan-ve-moi-truong-cho-do-go-xuat-khau-cua-viet-nam/37356.html