Cần một quyết tâm cao

Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất không chỉ giúp gia tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và người dân. Những năm gần đây, công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội đã thu được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay có dấu hiệu trễ muộn ở một số địa phương.

Ngoài yếu tố khách quan do phải thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 như cách ly, giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc tổ chức các phiên đấu giá, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự chậm chạp trên chủ yếu do những yếu tố chủ quan như: Quy định về thủ tục hoàn thiện hồ sơ dự án đấu giá còn phức tạp và kéo dài; việc bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khu đất đấu giá còn khó khăn; công tác khảo sát, chọn địa điểm đấu giá chưa phù hợp với nhu cầu người mua... Đó là chưa kể đến những bất cập liên quan đến quy hoạch phải sửa đổi, bổ sung.

Hà Nội đặt mục tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2020 trên địa bàn thành phố là 23.855,58 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này - khi còn chưa đầy hai tháng nữa là hết năm - kết quả mới đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2020 thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt khoảng 52% kế hoạch năm. Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất từ nay đến hết năm 2020, cơ quan chức năng của thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Sau rất nhiều nỗ lực tháo gỡ của UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành cũng như các địa phương, đến nay đã xác định được một số dự án đủ điều kiện tổ chức đấu giá. Do vậy, các địa phương cần khẩn trương tổ chức phiên đấu giá đối với các dự án này. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan đến các dự án khu đất đấu giá còn lại, từ đó lập kế hoạch đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Chính quyền các địa phương cần chủ động rà soát những vướng mắc vượt quá thẩm quyền để báo cáo thành phố, đề xuất các phương án giải quyết, không thụ động, làm chậm tiến độ chung. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, hỗ trợ nguồn vốn cho những địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu đất đấu giá; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện cho các địa phương.

Thực tế, cùng trên địa bàn thành phố, cùng chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng vẫn có những địa phương đưa công tác đấu giá quyền sử dụng đất về đích sớm, thậm chí còn vượt chỉ tiêu. Do đó, các địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao cần phân công rõ việc, rõ người, rõ mốc thời gian hoàn thành để ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có), tránh thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy tăng trưởng phục hồi kinh tế... Thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao thì chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 sẽ đạt mức khả quan nhất, tạo đà tích cực cho công tác này ngay từ đầu năm 2021.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/983100/can-mot-quyet-tam-cao