Cần một 'nhành ôliu'

Khu vực Trung Đông lại 'nóng lên' những ngày qua bởi tranh cãi ngoại giao và những đe dọa trả đũa kinh tế giữa A-rập Xê-út và Canada.

Căng thẳng leo thang khi hai nước liên tiếp đưa ra các hành động “ăn miếng trả miếng” về ngoại giao và kinh tế. Canada đã chìa “nhành ôliu” nhằm giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại, song cộng đồng quốc tế vẫn nghi ngại về khả năng có những tác động tiêu cực từ mối quan hệ này.

Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và A-rập Xê-út nổ ra sau khi Bộ Ngoại giao Canada và Đại sứ quán Canada tại A-rập Xê-út hối thúc Riyadh “trả tự do ngay lập tức” cho một số nhân vật bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét mới đây tại “vương quốc dầu mỏ”. Phản ứng trước động thái của Canada, A-rập Xê-út khẳng định không chấp nhận sự can thiệp vào công việc nội bộ từ bên ngoài. Quốc gia Trung Đông đã triệu hồi Đại sứ của mình tại Ottawa và tuyên bố trục xuất Đại sứ Canada. A-rập Xê-út cũng đóng băng mọi giao dịch mới về thương mại và đầu tư với Canada, ngừng một số chuyến bay giữa hai nước, rút toàn bộ du học sinh về nước và dừng mọi chương trình điều trị bệnh nhân của mình tại “xứ sở cây phong”. Quốc gia vùng Vịnh đang triển khai việc đưa toàn bộ bệnh nhân từ những bệnh viện ở Canada sang các nước khác. A-rập Xê-út cũng bán tháo chứng khoán Canada. Ngân hàng trung ương và các quỹ hưu trí nước này đã chỉ thị cho các cơ quan quản lý tài sản nước ngoài bán hết các cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt Canada mà không cần quan tâm đến giá.

Quan hệ thương mại song phương giữa Canada và A-rập Xê-út trị giá gần bốn tỷ USD mỗi năm. Xuất khẩu của Canada sang quốc gia Trung Đông ở mức khoảng 1,12 tỷ USD năm 2017, chiếm 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Bắc Mỹ. Căng thẳng ngoại giao đã tác động tiêu cực quan hệ thương mại song phương. Nhằm thể hiện sự đáp trả cứng rắn, A-rập Xê-út quyết định ngừng nhập lúa mì và lúa mạch từ Canada. Các thương gia châu Âu đã nhận được thông báo chính thức từ Tổ chức Ngũ cốc A-rập Xê-út (SAGO), theo đó từ ngày 7-8, SAGO không chấp nhận lúa mạch hoặc lúa mì xay có xuất xứ nguồn gốc từ Canada. Thống kê của Chính phủ Canada cho thấy, kim ngạch xuất khẩu lúa mì và lúa mạch sang A-rập Xê-út năm 2017 lần lượt là 66 nghìn và 132 nghìn tấn. Từ khi lên nắm quyền năm 2015, Thái tử M.Salman của A-rập Xê-út đã kêu gọi các đồng minh phương Tây ủng hộ chính sách cải cách của ông, sẵn sàng “rút hầu bao” hàng tỷ USD để mua vũ khí. Tuy nhiên, tranh cãi ngoại giao với Canada đe dọa làm chậm nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Riyadh, đồng thời ảnh hưởng tới sự ủng hộ cần thiết của phương Tây đối với A-rập Xê-út khi “ông vua dầu mỏ” đang muốn củng cố vị trí và ảnh hưởng ở khu vực.

Phản ứng tức giận từ phía A-rập Xê-út đã khiến căng thẳng leo thang. Bộ trưởng Ngoại giao nước này A.Giu-bê-ia cho rằng “không có gì để hòa giải”, đồng thời nhấn mạnh, Ottawa tự biết phải làm gì để sửa chữa sai lầm. Trong khi đó, Thủ tướng Canada J.Trudeau cho biết, sẽ tiếp tục gây sức ép đối với A-rập Xê-út về tự do dân sự, tuy nhiên ông cũng nói rằng, quốc gia Trung Đông đạt một số tiến bộ về nhân quyền. Động thái này vừa giúp Canada bảo vệ lập trường của mình, song cũng thể hiện sự mềm mỏng trong giải quyết vấn đề khi ông Trudeau được cho là người đưa ra “nhành ôliu” với phía A-rập Xê-út. Nhằm xoa dịu căng thẳng với Riyadh, chính quyền Ottawa đang nỗ lực đề nghị các nước đồng minh trong khu vực hỗ trợ. Một số nguồn tin cho biết, Canada có kế hoạch đề nghị Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Anh giúp “tháo ngòi” căng thẳng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ sẽ không can thiệp vào căng thẳng giữa Canada và A-rập Xê-út, vốn là hai đồng minh của Washington. Các nước ở khu vực Trung Đông như UAE, Bahrain, Ai Cập đều lên tiếng bày tỏ quan điểm “kịch liệt phản đối” bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của A-rập Xê-út.

A-rập Xê-út khẳng định, tranh chấp ngoại giao sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động đầu tư của Canada tại vương quốc dầu mỏ, cũng như không làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ cho “xứ sở cây phong”. Tuy nhiên, nếu căng thẳng không được hạ nhiệt sẽ tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư, ảnh hưởng lợi ích của các doanh nghiệp và người dân hai nước.

BẢO HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37270302-can-mot-%E2%80%9Cnhanh-oliu%E2%80%9D.html