Cần một giải pháp toàn diện

Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út vừa có chuyến thăm các nước Bắc Phi, thảo luận về phối hợp tháo ngòi 'quả bom xung đột' có nguy cơ bùng nổ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tại Li-bi. Liên hợp quốc (LHQ), các cường quốc thế giới và khu vực cũng đang nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Li-bi, ngăn chặn sự can thiệp ngày càng sâu của các nước vào tình hình quốc gia Bắc Phi.

Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út vừa có chuyến thăm các nước Bắc Phi, thảo luận về phối hợp tháo ngòi “quả bom xung đột” có nguy cơ bùng nổ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tại Li-bi. Liên hợp quốc (LHQ), các cường quốc thế giới và khu vực cũng đang nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Li-bi, ngăn chặn sự can thiệp ngày càng sâu của các nước vào tình hình quốc gia Bắc Phi.

Tại các cuộc gặp lãnh đạo và giới chức An-giê-ri, Tuy-ni-di và Ai Cập, người đứng đầu ngành ngoại giao A-rập Xê-út khẳng định, Ri-i-át sẽ phối hợp các nước Bắc Phi để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Li-bi. A-rập Xê-út nhấn mạnh về vai trò trung tâm của các nước láng giềng giúp Li-bi chấm dứt xung đột, chống khủng bố và ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út diễn ra trong bối cảnh truyền thông khu vực rộ lên tin Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch quân sự nhằm đối phó khả năng Ai Cập can thiệp vào Li-bi. Trong cuộc xung đột ở Li-bi giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) và lực lượng miền đông tự xưng Quân đội quốc gia (LNA), A-rập Xê-út cùng Nga, Pháp, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) được cho là ủng hộ LNA, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, I-ta-li-a hậu thuẫn GNA.

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai binh sĩ và trang thiết bị quân sự tới hậu thuẫn lực lượng GNA giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ quan trọng từ LNA. Sau khi giành lại thủ đô Tơ-ri-pô-li, GNA mở rộng phạm vi kiểm soát, với các cuộc tiến công vào thành phố biển miền trung Xơ-tê của Li-bi, bước đi mà Ai Cập cho là “một mối đe dọa lớn” đối với an ninh quốc gia. Thành phố này và căn cứ quân sự Giu-phra hiện do LNA kiểm soát. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lên phương án chuẩn bị cho kế hoạch can thiệp quân sự mạnh mẽ hơn sau khi Quốc hội Ai Cập “bật đèn xanh” cho việc triển khai quân đội ở bên ngoài lãnh thổ, đồng nghĩa cho phép Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi hành động tại Li-bi. Ông A.Xi-xi trước đó cảnh báo, Ai Cập sẽ “không đứng yên” trước những mối đe dọa an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Hội đồng an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK) một lần nữa khẳng định quyết tâm ủng hộ GNA chống LNA; An-ca-ra tuyên bố không do dự triển khai những bước đi cần thiết và sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tiến công nào nhằm vào các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Li-bi. Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, can thiệp vào Li-bi là động thái phiêu lưu quân sự nguy hiểm đối với Ai Cập.

Trong chuyến thăm Mát-xcơ-va mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao An-giê-ri và người đồng cấp Nga đã nhất trí rằng, xe tăng và đại bác không thể là giải pháp cho cuộc khủng hoảng Li-bi, mà là đối thoại. LHQ và giới chức GNA cũng thảo luận việc nối lại các cuộc đối thoại chính trị ở nước này. Đức, Pháp và I-ta-li-a ra tuyên bố chung kêu gọi các nước chấm dứt can thiệp Li-bi, tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt với quốc gia Bắc Phi. Ba nước châu Âu cho biết, sẵn sàng cân nhắc áp dụng trừng phạt nếu những hành động vi phạm lệnh cấm vận trên biển, trên mặt đất hay trên không tiếp diễn. Hải quân Đức thông báo giữa tháng 8 tới sẽ triển khai tàu khu trục chở theo 250 binh sĩ tới Địa Trung Hải, trong sứ mệnh của Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm giám sát thực thi cấm vận vũ khí đối với Li-bi, giúp mang lại ổn định và hỗ trợ tiến trình hòa bình do LHQ đứng đầu ở quốc gia Bắc Phi. Bên cạnh giám sát hoạt động đưa lậu vũ khí vào Li-bi, còn nhiệm vụ ngăn chặn buôn lậu dầu từ Li-bi...

Xung đột phe phái khiến số người chết và bị thương trong sáu tháng đầu năm nay ở Li-bi tăng 172% so cùng kỳ năm 2019. Bạo lực làm hơn 400.000 người mất nhà cửa, đẩy Li-bi rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực kéo dài gần 10 năm qua, Li-bi không thể chịu đựng hơn nữa các cuộc xung đột, với sự can thiệp của lực lượng bên ngoài.

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Li-bi, trong đó nhấn mạnh bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi.

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/can-mot-giai-phap-toan-dien-611098/