Cần một giải pháp căn cơ để bảo vệ các tuyến đê biển ở Cà Mau

Những ngày qua, người dân tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt với sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, hàng trăm hộ dân đã phải sơ tán do nhà sập, tốc mái dọc tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời…

Nỗi lo của chính quyền và người dân vùng sạt lở

Nhà cửa và tài sản của người dân bị cuốn trôi do sóng biển dâng cao
(Ảnh: Báo Cà Mau)

Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, tính đến chiều 5/8, toàn tỉnh đã có 1 người chết, 1 người bị thương, 133 căn nhà bị sập, 632 căn nhà bị tốc mái, gần 1.750 căn nhà, 1 trường học bị ngập do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, ước tính tổng thiệt hại hơn 28 tỷ đồng.

Hiện nguy cơ sạt lở đất và đê biển Tây khu vực xã Khánh Bình Tây, xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) và xã Khánh Tiến (huyện U Minh) là rất cao. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an, quân sự được huy động phối hợp chính quyền các địa phương của tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng hỗ trợ, giúp di dời người già, trẻ em, di chuyển tài sản vào nơi có vị trí cao; những hộ dân có nhà tạm được ở nhờ các hộ có nhà kiên cố. Do nước dâng cao nên rác và phù sa tràn ngập đường đi và tràn vào nhà khiến sinh hoạt của người dân xáo trộn.

Được biết vào tối 3/8, mưa lớn kèm gió mạnh, sóng biển đánh vào sát hơn 300 m thân đê phòng hộ biển ở xã Khánh Bình Tây. Đây là đợt thủy triều dâng cao kỷ lục trong hàng chục năm nay. Con đê với cao trình hơn 3 m bị thủy triều ngập tràn vào vùng ngọt của xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), đe dọa ảnh hưởng đến sản xuất lúa của người dân phía trong đê. Sóng biển mạnh, toàn bộ tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau với chiều dài gần 50 km đều bị uy hiếp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ Kinh Mới tới cửa Vàm Đá Bạc hơn 3 km bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo những người dân ở khu vực bị sạt lở thì những ngày qua, mưa lớn, sóng biển to và dâng nhanh đã làm nhiều sạt lở bờ bao và sập nhà dân, làm cuốn trôi vật dụng sinh hoạt ra ngoài, hoặc gây hư hỏng như tủ lạnh, ti vi, đồ điện…thiệt hại khá lớn cho các gia đình đang sinh sống tại đây. Ông Dương Văn Lúa, người dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho hay, khu vực ông ở bị ngập do triều cường, nước biển dâng là nặng nhất. Cứ mỗi mùa mưa bão là cuộc sống lại bị ảnh hưởng ngày càng nặng nề hơn, nên chúng tôi đang rất mong mỏi được dọn đến khu tái định cư để an tâm làm ăn.

Có thể thấy, tuyến đê phòng hộ ven biển Tây của tỉnh Cà Mau có vai trò rất quan trọng, đó là để ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nếu vỡ đê, cả hệ sinh thái vùng ngọt phía trong đê sẽ bị ảnh hưởng, trong đó, nghiêm trọng nhất là diện tích lúa của bà con nông dân tại các khu vực này.

Đứng trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh này đã huy động kịp thời lực lượng hơn 200 người, cùng phương tiện để hộ đê ngay trong đêm. Hiện đoạn đê bị xâm hại đã được xử lý, tuy nhiên, các lực lượng làm nhiệm vụ vẫn đang tiếp tục được huy động để gia cố mặt đê, ngăn nước mặn tràn vào vùng ngọt, tránh ảnh hưởng lúa của người dân.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến nay, các điểm sạt lở nguy cấp tại tuyến đê phòng hộ nói trên đã được gia cố ở mức an toàn. Các lực lượng huy động hộ đê đã gần như kiểm soát được tình hình, hơn 2/3 tuyến đê bị xâm hại đã được gia cố cơ bản, nguy cơ vỡ đê đã được kiểm soát.

Có thể thấy, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện khá nhiều khu vực bị sạt lở nguy hiểm, nhất là tại các huyện như Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân…, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân trên địa bàn. Tình trạng sạt lở thời gian qua trên địa bàn tỉnh này là do nhiều yếu tố, trong đó một phần đặc điểm nền đất yếu, đồng thời cũng do tập quán sinh sống của người dân, và do công tác quản lý trong xây dựng còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc người dân cơi nới và xây cất nhà làm tăng nguy cơ sạt lở.

Tại bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở diễn ra nhanh, ở mức nguy hiểm có nguy cơ phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn khu dân cư ven đê với chiều dài hàng chục cây số, bắt đầu từ vàm Tiểu Dừa, huyện U Minh đến cửa sông Bảy Háp, huyện Phú Tân. Trong đó, gồm 3 đoạn, đoạn từ Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh; đoạn từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm và đoạn từ Sông Đốc đến cửa Bảy Háp.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, bờ biển Tây của tỉnh này đã bị sạt lở khoảng 57 km, hiện có gần 10 km bị sạt lở nghiêm trọng, bờ biển Đông có khoảng 48 km bị sạt lở, trong đó có khoảng trên 24 km sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau đã cho xây dựng kè ngầm tạo bãi kết hợp trồng rừng. Tuy nhiên do kinh phí hạn chế nên việc xây dựng kè chủ yếu chỉ được triển khai tại những khu vực thật sự cấp thiết.

Cần giải pháp căn cơ

Tập trung xây dựng kè và trồng rừng phòng hộ ven biển
là một trong nhiều giải pháp chống lại biến đổi khí hậu ở Cà Mau (Ảnh: K.V)

Trước diễn biến phức tạp gây thiệt hại về người và tài sản ở Cà Mau trong những ngày đầu tháng 8, Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã thành lập đoàn xuống Cà Mau khảo sát tình hình thực tế. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc gia cố đê như Cà Mau đang thực hiện chỉ đối phó được sóng gió ở mức độ bình thường, không bảo đảm trong điều kiện sóng lớn. Vì thế, lãnh đạo Tổng cục phòng, chống thiên tai đề nghị, tỉnh Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp, có giải pháp hiệu quả hơn về lâu dài nhằm bảo vệ hữu hiệu tuyến đê, bảo vệ vùng ngọt hóa ven biển.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, về các biện pháp lâu dài, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục thực hiện phương án làm kè khẩn cấp nhằm tạo bãi tự nhiên từ đó từng bước trồng lại rừng phòng hộ bảo vệ đê một cách tốt nhất. Còn trước mắt, ở những đoạn chưa có cây rừng, sẽ tiếp tục đầu tư đổ những mái đê bằng bê tông cốt thép để chống chịu sóng dữ.

Ông Nguyễn Tiến Hải cũng yêu cầu có biện pháp hỗ trợ, tiếp sức về trang thiết bị bảo hộ, nhu yếu phẩm cho các lực lượng đang tham gia hộ đê. Về lâu dài, ngành chức năng nghiên cứu, tiến hành kiên cố hóa mái đê, tiếp tục kè hộ đê nhằm gây bồi, tạo bãi trồng rừng phòng hộ. Ngành chức năng, chính quyền các địa phương có liên quan kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa bão, tìm những phương án tối ưu nhất để giúp người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ngay sau khi thời tiết ổn định hơn.

Cùng với đó, Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây, theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khoanh vùng đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; di dời nhà cửa, vật kiến trúc ảnh hưởng hành lang đê điều, hạ tải trọng phạm vi thiết lập; lắp đặt biển báo khu vực sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ các vị trí đê xung yếu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức bảo vệ đê.

Đối với Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời và U Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã yêu cầu, vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực. Về các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định pháp luật các vị trí đê bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng thời, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho tỉnh Cà Mau cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển, vì nếu làm đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian và không thể xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến vỡ đê và gây ra thiệt hại rất lớn cho địa phương.

Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh này triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân; xem xét cho tỉnh Cà Mau được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA (không áp dụng cơ chế vay lại vốn ODA) đối với các dự án đầu tư xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu vì đây là các dự án không sinh lợi nên không có khả năng thu hồi vốn.... Đặc biệt, có cơ chế huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời.

Bên cạnh những giải pháp công trình, tỉnh Cà Mau cũng sẽ tiến hành nhiều dự án phi công trình như tổ chức sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung tuyên truyền để người dân chủ động trong sản xuất với các biện pháp mô hình, đối tượng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết thêm, tỉnh cũng đang rất cần các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn hỗ trợ cho tỉnh một số công việc mà tỉnh đang gặp khó khăn, nhất là các nghiên cứu cơ bản, các quy trình, kỹ thuật xây dựng công trình, mô hình sản xuất để thích ứng trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu…/.

K.V

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/can-mot-giai-phap-can-co-de-bao-ve-cac-tuyen-de-bien-o-ca-mau-531139.html