Cần một cuộc 'cách mạng' để đương đầu với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nhanh, đe dọa cuộc sống của con người với nhiều hình thái thiên tai cực đoan, dễ nhìn thấy nhất là chuỗi ngày nắng nóng như không có điểm dừng trong mùa hè 2020.

_______________________

Từ đầu năm 2020 đến nay, bên cạnh việc dốc sức phòng chống dịch bệnh COVID-19, cả nước còn phải gồng mình đối phó với hàng loạt thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Nếu như ở khu vực miền núi phía Bắc, thời tiết biến đổi thất thường, từ nắng nóng gay gắt kéo dài chuyển sang mưa lớn kèm dông lốc gây sạt lở đất; ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh duyên hải miền Trung, tình trạng nắng nóng cục bộ diễn ra nhiều ngày thì các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long lại phải oằn mình đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn bủa vây.

TS Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, những ngày qua, câu nói khiến tôi nghe nhiều nhất, ở nhiều nơi nhất chắc có lẽ là: “Chưa bao giờ thấy nắng nóng như thế!”. Tình trạng nắng nóng đang trải dài từ Bắc chí Nam với nền nhiệt phổ biến rất cao, khoảng trên 35 độ C. Một số kỷ lục về nhiệt độ nắng nóng mới đã được xác lập.

Tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) nhiệt độ ngày 21/5/2020 lên tới 41,8 độ C - đây là mức nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc thời tiết trong 64 năm qua, tính từ năm 1956 đến nay. Tại Thanh Hóa, nhiệt độ ở Tĩnh Gia đo được trong ngày 21/5/2020 là 41,2 độ C, cao nhất trong 47 năm qua. Trước đó, nhiệt độ cao nhất tại Tĩnh Gia đo ngày 23/6/1973 là 40 độ C… Còn tại Hà Nội, nhiệt độ ở Hà Đông lên tới 40,9 độ C, là giá trị nhiệt độ cao nhất trong tháng 5 trong 59 năm qua, tính từ năm 1961 đến nay.

Nắng nóng kéo dài gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ở nhiều nơi trên cả nước. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra rất nghiêm trọng. Từ ngày 8 - 15/4, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất (ranh 4g/l) là khoảng 95 - 105km.

Theo TS Tăng, tất cả những hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên đều là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Phân tích về những nguyên nhân của hiện tượng này, TS Tăng cho rằng, có 2 nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu đó là do tự nhiên và do con người.

Xét về mặt tự nhiên, việc thay đổi cường độ sáng của Mặt trời, xuất hiện các điểm đen Mặt trời, hoạt động của núi lửa, sự thay đổi của đại dương và lục địa, sự thay đổi quỹ đạo quay của Trái đất, sự va chạm của các thiên thạch khổng lồ với Trái Đất… đều là những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những nguyên nhân này lại chỉ đóng một phần rất nhỏ vào sự biến đổi ấy. Nguyên nhân chủ đạo lại nằm ở phía con người.

Cũng theo TS Tăng, do xuất phát từ sự thay đổi mục đích sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã làm tăng lượng phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Trong suốt gần một triệu năm trước cách mạng công nghiệp (trước thế kỷ 18), hàm lượng khí CO2 trong khí quyển nằm trong khoảng từ 170 đến 280 phần triệu (ppm). Đến năm 2005, con số này đã tăng cao hơn nhiều và ở mức 387 ppm; năm 2016 là khoảng 420 ppm và sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn nữa. Sự gia tăng nồng độ khí CO2 trong khí quyển sẽ làm cho nhiệt độ trái đất tăng.

Sự xuất hiện chủng virus chưa từng được biết đến như SARS-CoV-2 đã thống trị tin tức thời gian qua. Tính đến ngày 29/6, toàn thế giới có 10.242.930 ca nhiễm, trong đó có 504.366 ca tử vong vì đại dịch này. Tuy không có bất kì bằng chứng nào cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến SARS-CoV-2 chuyển từ động vật sang người, hoặc có phải hiện trạng nóng lên toàn cầu đã góp phần giúp nó lây lan. Song, một điều khá rõ ràng, biến đổi khí hậu sẽ khiến sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới lạ khác trong tương lai trở nên trầm trọng hơn.

“Nhiệt độ toàn cầu tăng lên làm cho mùa đông ngắn hơn là điều kiện cho một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và sốt rét phát triển tốt hơn. Mùa đông bớt lạnh hơn và ngắn hơn cũng có lợi cho các tác nhân mang mầm bệnh tiềm ẩn, như muỗi và chuột, vì chúng có thể hoạt động và sinh sản lâu hơn và sớm hơn trong mùa này. Kết hợp với khí hậu ấm lên là sự thay đổi của vòng tuần hoàn nước. Mưa lớn và lũ lụt sẽ có nguy cơ nhiều hơn và dữ dội hơn. Lượng mưa lớn tạo thành những vũng nước tù đọng, là nơi sinh sản của muỗi”, TS Tăng nói.

Có sự liên quan mật thiết giữa một số bệnh dịch phát hiện trên người và các tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây. Trong đó, nổi cộm là các bệnh truyền nhiễm, thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, bệnh do nhiệt độ tăng cao...

“Việc nguồn nước bị ô nhiễm, nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi đã tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn phát triển, muỗi gia tăng khiến cho các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, chân tay miệng, các bệnh về đường tiêu hóa… cũng bùng phát. Còn ô nhiễm không khí, khói bụi khiến cho các bệnh lao phổi, hen suyễn không ngừng gia tăng”, TS Tăng nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của động vật hoang dã thông qua nhiệt độ ấm lên và mực nước biển dâng. Cùng với các xáo trộn sinh thái khác như đô thị hóa và nạn phá rừng, động vật hoang dã có thể bị buộc phải tìm nơi ẩn náu ở gần các khu vực đô thị do mất đi môi trường sống, gây ra nguy cơ tiềm ẩn lây lan bệnh truyền nhiễm mới từ động vật hoang dã trong quá trình tiếp xúc gần hơn với động vật nuôi và con người. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng vì thiên nhiên là nơi chứa các căn bệnh truyền nhiễm tiềm tàng đối với con người, chiếm khoảng 60% trong số tất cả các bệnh ở người và 75% các bệnh truyền nhiễm mới từ động vật sang người hoành hành trong vài thập kỷ qua.

TS Tăng cho biết thêm, biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ gây ra thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm như căng thẳng do làm việc ở môi trường nhiệt độ quá cao, các bệnh lây truyền qua đường nước như dịch tả và nhiều bệnh khác. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết và quan trọng để bảo vệ sức khỏe của con người.

Không thể phủ nhận, biến đổi khí hậu đã và đang tạo ra nhiều hình thái thiên tai ngày càng cực đoan. Nhưng về cơ bản, các loại hình thiên tai chủ yếu (hạn hán, xâm nhập mặn) đều đã được dự báo như ở Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực này đã quen với hạn, mặn giống như các tỉnh miền Bắc quen và “sống chung” với lũ lụt.

TS Tăng cho biết, trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể “né” được hạn, mặn nếu công tác dự báo, phòng tránh tốt. Điển hình như Sóc Trăng, mùa khô năm 2016, toàn tỉnh có gần 24.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó nên mùa khô năm nay (tính hết tháng 3/2020), tỉnh Sóc Trăng mới chỉ có khoảng 600ha lúa vụ 3 bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long lại đang gồng mình chống chọi với hạn, mặn. Thậm chí, từ ngày 4/3 đến nay, đã có 5 tỉnh (Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An) buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai để tìm giải pháp ứng phó.

Điều này cho thấy, công tác quản lý phòng chống, ứng phó với thiên tai ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang tính đồng bộ, nhất quán, quyết liệt mà chỉ mang tính “ứng phó” và đang mỗi nơi một kiểu, mạnh ai nấy làm.

Với tầm nhìn riêng trong ứng phó thiên tai, TS Tăng cho rằng, để đạt được các tham vọng toàn cầu, Việt Nam cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức điều tiết và chi phối tất cả các chiến lược, giải pháp cũng như ràng buộc tất cả các khu vực lại với nhau để thực hiện được mục tiêu phát triển chung.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần tiến hành công cuộc “đổi mới” khí hậu một cách toàn diện với tầm quan trọng ngang với phát triển kinh tế. Cuộc “cách mạng” về chính sách khí hậu này sẽ giúp chuyển đổi mô hình kinh tế hướng đến ưu tiên chuyển dịch sang năng lượng sạch, đầu tư xanh, kinh tế tuần hoàn, năng suất tài nguyên và giải pháp dựa trên tự nhiên, áp dụng cách tiếp cận tổng thể và bao trùm trong việc thu hút sự tham gia của chính phủ và xã hội.

Bằng cách đẩy nhanh việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể tận dụng chi phí năng lượng gió, năng lượng mặt trời và đổi mới công nghệ nhanh chóng. Với những lợi thế trên, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể việc tiết kiệm năng lượng, từ đó giúp cải thiện năng suất bằng cách giảm mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Việc chuyển đổi sang mức thâm nhập cao hơn của năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng và hiệu quả năng lượng tốt hơn sẽ không chỉ làm giảm mức phát thải khí nhà kính mà còn giúp tăng cường an ninh năng lượng cho Việt Nam, trong bối cảnh nhập khẩu than ngày càng tăng cho sản xuất điện.

Thêm vào đó, việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cải thiện năng suất thông qua cắt giảm nguyên liệu và tài nguyên cũng như chất thải vì chất thải từ ngành này có thể được sử dụng làm đầu vào cho một ngành khác.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải chú ý đến việc trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam bởi nó có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Rừng và các hệ sinh thái biển - ven biển là các “bể chứa CO2” tự nhiên, cần thiết đối với các chiến lược thích ứng và cung cấp các nguồn tài nguyên hệ sinh thái quan trọng hỗ trợ sinh kế địa phương.

Bài: Thục San

Thiết kế: Mẫn San

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/can-mot-cuoc-cach-mang-de-duong-dau-voi-bien-doi-khi-hau-175486.html