Cần một cơ chế đủ mạnh, đủ nghiêm

Gần 80 nghìn tỷ đồng là số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa được thu hồi. Đó là con số không hề nhỏ, đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức của người dân. Số tài sản này cần phải thu hồi về cho nhà nước. Muốn vậy, không gì khác hơn là bộ máy phòng, chống tham nhũng phải quyết tâm cao hơn, giải pháp cũng phải quyết liệt hơn.

Xót xa với những con số

Tại buổi họp báo do Bộ Tư pháp vừa tổ chức về kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2022 cho thấy, trong số gần 130 nghìn tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, hiện mới thu hồi được gần 50 nghìn tỷ đồng, còn gần 80 nghìn tỷ đồng chưa được thu hồi.

Quang cảnh Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: B.SƠN

Quang cảnh Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: B.SƠN

Gần 80 nghìn tỷ đồng là số tiền tương đương với 5% tổng thu ngân sách cả nước năm 2021 và tương đương với tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, để mỗi năm cả nước xóa nghèo cho 1,5 triệu người. Gần 80 nghìn tỷ đồng này cũng là số kinh phí đủ để xây dựng 10 cây cầu như cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng mà TP.Hà Nội dự kiến khởi công trong năm nay. Gần 80 nghìn tỷ đồng, con số không hề nhỏ, được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức của người dân cả nước, nếu không bị những quan tham chiếm đoạt sẽ đủ để xây nên rất nhiều những công trình công cộng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Thật đáng tiếc và xót xa khi số tiền gần 80 nghìn tỷ đồng tham nhũng ấy chưa được thu hồi. Xin được nói thêm, đó chỉ là số tiền liên quan đến các vụ đại án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Còn trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Đơn cử như theo số liệu được công bố tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng diễn ra vào đầu tháng 7/2022, thì việc thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng ở thành phố này cũng mới chỉ đạt 12%.

Khách quan mà nói, trong tổng số gần 130 nghìn tỷ đồng tham nhũng, đến nay đã thu hồi được gần 50 nghìn tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ hơn 38% cũng là sự cố gắng không nhỏ của các cơ quan chức năng. Bởi trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10%. Giai đoạn 2013 - 2020 con số này cũng chỉ đạt hơn 26%. Tuy nhiên, còn tới hơn 60% số tài sản tham nhũng, tương đương với số tiền gần 80 nghìn tỷ đồng chưa được thu hồi cũng đang là điều đáng phải suy nghĩ.

Nghiêm khắc và quyết liệt hơn nữa

Câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng thấp, vốn không phải mới, mà nó đã được đề cập nhiều lần với những khó khăn đặt ra. Khó nhưng không thể không làm. Càng khó khăn, càng đòi hỏi quyết tâm cao hơn, những giải pháp quyết liệt hơn để tài sản tham nhũng được thu hồi về cho Nhà nước. Phát hiện, xử lý đối tượng tham nhũng với những mức án nghiêm khắc là cần thiết, nhưng quan trọng và thiết yếu hơn vẫn là phải thu hồi cho đủ số tiền mà các quan tham đã vơ vét. Trong đó, khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng kinh tế là một trong những cơ chế đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu áp dụng, theo hướng ai khắc phục hậu quả nhiều thì sẽ được xem xét giảm một phần án phạt.

Thu hồi triệt để tài sản, tiền bạc tham nhũng cũng là nhằm tạo ra cơ chế để cán bộ “không muốn tham nhũng”. Bởi lẽ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, chưa bao giờ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước ta lại được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, kết quả như trong thời gian 10 năm qua. Với tinh thần ấy, quyết tâm ấy, sớm hay muộn, những kẻ tham nhũng cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng, bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, tài sản tham nhũng cũng sẽ sớm bị thu hồi. Thử hỏi lúc đó, liệu ai còn tư tưởng “cứ vơ vét, vào tù là xóa hết”; còn ai dám “hy sinh đời bố củng cố đời con”!

Quyết liệt để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng, là đòi hỏi bức thiết đang đặt ra và người dân cả nước đang kỳ vọng. Bên cạnh việc đấu tranh quyết liệt, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, xử lý nghiêm minh các hành vi, đối tượng tham nhũng, tiêu cực, cơ quan điều tra cũng kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của những người có liên quan đến các đối tượng tham nhũng như vợ con, người thân... Hành động này giúp đảm bảo tài sản tham nhũng được thu hồi một cách nhanh nhất, triệt để nhất.

TKết quả cốt lõi của quá trình đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là thước đo tinh thần quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị. Việc làm ấy đang giúp Đảng ta lấy lại được niềm tin trong lòng dân, được nhân dân kỳ vọng. Có sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, Đảng ta sẽ mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”, từng bước xây dựng bộ máy lãnh đạo trong sạch với một đội ngũ cán bộ liêm chính, hết lòng vì nước, vì dân.

Vì vậy, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng là cần thiết, là cần làm để nguồn lực đất nước không bị thất thoát, không bị rút ruột. Nhưng để triệt tiêu nạn tham nhũng, Đảng, Nhà nước phải xây dựng được cơ chế giám sát đủ mạnh, đủ nghiêm khắc, để đội ngũ cán bộ có chức, có quyền không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng.

VÂN THIÊNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202208/can-mot-co-che-du-manh-du-nghiem-3129720/