Cần một chiến lược căn cơ để xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia bền vững

Biên giới quốc gia (BGQG) là ranh giới pháp lý quốc tế, là phên giậu xác định không gian sinh tồn của đời đời con cháu dân tộc Việt Nam. Chủ quyền BGQG là vấn đề thiêng liêng, trong đó lãnh thổ và BGQG là hai yếu tố có mối liên hệ biện chứng, không thể tách rời. Xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG đã được xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Để bộ phận này tương xứng với sự quan trọng của nó, cần có một chiến lược căn cơ và xứng tầm, làm cơ sở xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG bền vững.

Biên phòng cần có phương lược tốt

Nhằm bảo vệ quốc gia cương thổ, từ hàng ngàn năm trước, các bậc minh quân, trung thần, các bậc tiền nhân luôn hiểu rõ sức mạnh của dân (sức dân như nước, dân là gốc của nước) nên luôn coi “dân là gốc”. Các triều đại từ thuở bình minh lập quốc luôn xác định nhân dân nói chung, đồng bào vùng biên nói riêng là lực lượng chủ yếu bảo vệ biên cương. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Khi “dân là gốc” rồi, việc phải làm tiếp theo là phải có một “phương lược” tốt. Đây có thể được coi như những nguyên lý bền vững đã giúp dân tộc ta trường tồn, bất chấp các biến cố, thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Có thể thấy rõ điều này qua giai đoạn những năm 1945-1946, trước vận mệnh quốc gia “nghìn cân treo sợi tóc”, với phương châm “muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không muốn gây sự với ai” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh)(1), Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã thương lượng và ký kết các hiệp định BGQG với các nước có liên quan, tham gia các cam kết quốc tế, giữ hòa hiếu với các quốc gia có chung biên giới và khu vực, đồng thời, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Đó chính là phương lược và kế sách để tiếp tục củng cố những thành quả lịch sử của cha ông để lại.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã có sự phát triển mới trong tư duy về nội dung giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Theo đó, cần phải “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”(2). Đặc biệt, trước diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(3). Đây là nội dung rất quan trọng làm cơ sở hoạch định hệ thống các chủ trương, chính sách, giải pháp cơ bản trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG-bộ phận quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với tăng cường QPAN ở khu vực biên giới và các vùng biển của đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung, sự phát triển về mọi mặt ở các vùng biên giới còn nhiều hạn chế. Mặt khác, tình hình trên các tuyến biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đe dọa gây mất ổn định về an ninh chính trị, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi. Hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới chưa đầy đủ, đồng bộ; sự kết hợp giữa phát triển KT-XH với củng cố QPAN còn tồn tại một số mặt hạn chế, đã và đang tác động, đặt ra những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG. Do vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải sớm xây dựng Chiến lược bảo vệ BGQG nhằm xác định mục tiêu cơ bản, lâu dài; các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, phương châm chỉ đạo và phương thức linh hoạt, xác định rõ nhiệm vụ và hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ, có lộ trình, bước đi phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh BGQG. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về mọi mặt ở khu vực biên giới để có thể bảo đảm huy động và phát huy sức mạnh tại chỗ, tạo ra tiềm lực kinh tế-quân sự và tiềm lực xã hội-quân sự đáp ứng trực tiếp nhu cầu xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG.

Xây dựng chiến lược bảo vệ BGQG - Một yêu cầu cấp thiết

Thực tiễn cho thấy, để vận dụng mối quan hệ kết hợp giữa QPAN, đối ngoại có hiệu quả, cần phải chủ động hoạch định chiến lược cả trung và dài hạn ở từng lĩnh vực. Đây là vấn đề rất quan trọng trong quy trình điều hành, quản lý vĩ mô của Nhà nước nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về QPAN, đối ngoại, trong đó nội dung và giải pháp chiến lược có vai trò hết sức quan trọng. Đối với việc xây dựng Chiến lược bảo vệ BGQG, có sự thuận lợi là nước ta đang trong quá trình điều chỉnh và xây dựng các văn bản chiến lược quốc gia, như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược an ninh, Chiến lược đối ngoại... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia nhằm giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển. Với nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG, nếu có một chiến lược cụ thể, sẽ có tác dụng rất lớn trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, chủ động phòng ngừa, nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời, nhanh chóng, chính xác mọi âm mưu và hành động vi phạm, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ BGQG; chủ động đối phó thắng lợi với mọi cuộc chiến tranh xâm lược; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, phục vụ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước. Khi Chiến lược bảo vệ BGQG ra đời, đi vào thực tiễn cuộc sống, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị về BGQG sẽ được nâng cao, tạo ra những điều kiện thuận lợi và tăng cường các nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới, biển, đảo, bảo đảm liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu.

Thực tiễn lịch sử đã làm sáng tỏ nguyên lý mà cha ông ta đã đúc kết: “Biên phòng cần có phương lược tốt/ Đất nước nên lo kế lâu dài”. Trong điều kiện hiện nay, xây dựng Chiến lược bảo vệ BGQG là một mắt xích quan trọng trong quy trình điều hành, quản lý vĩ mô của Nhà nước nhằm tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chiến lược của Đảng và Nhà nước về xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền BGQG. Tư tưởng chỉ đạo mang tính cốt lõi của Chiến lược bảo vệ BGQG là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ tình đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển. Bảo vệ BGQG là bảo vệ đường biên giới trên đất liền và trên biển đảo, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới, công trình phòng thủ biên giới, hệ thống cửa khẩu liên hoàn, khép kín và bảo vệ khu vực biên giới phên giậu của Tổ quốc. Nhiệm vụ bảo vệ BGQG thuộc trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Phải lấy dân làm gốc, quần chúng nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, lực lượng BĐBP đóng vai trò chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG...

Do BGQG có vị trí chiến lược về chính trị, KT-XH, QPAN và đối ngoại nên bảo vệ BGQG là một bộ phận trọng yếu, không thể tách rời của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của Chiến lược bảo vệ BGQG đặt ra là giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên, môi sinh, môi trường và lợi ích quốc gia trên khu vực biên giới...; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng, mở rộng hợp tác quốc tế về biên giới và giao lưu biên giới, phối hợp, hợp tác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm, các thách thức an ninh phi truyền thống. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các âm mưu, hành động xâm phạm, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; chủ động phát hiện sớm, kiên quyết đánh bại các hành động vũ trang xâm chiếm; xây dựng, hoàn chỉnh nền biên phòng toàn dân, các thế trận có liên quan; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, từng bước loại trừ các nhân tố gây mất ổn định...

Trong tình hình hiện nay, việc pháp luật hóa và xây dựng chiến lược ở mọi lĩnh vực là nhu cầu khách quan, nhằm sớm tạo ra những chương trình có tính dài hạn và hành lang pháp lý để Nhà nước hoạch định, quản lý, điều hành, phối hợp, gắn kết các lĩnh vực hoạt động cơ bản của đời sống xã hội. Việc xây dựng Chiến lược bảo vệ BGQG cũng là nhu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trên cơ sở tư duy biện chứng, nắm vững những yêu cầu mới, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của ông cha ta trong bảo vệ quốc gia cương thổ, Chiến lược bảo vệ BGQG sẽ thiết thực góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, phát triển KT-XH, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng, PGS, TS HOÀNG XUÂN CHIẾN

Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn nhà báo quốc tế ngày 16-7-1947.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.149

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.145-146

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/can-mot-chien-luoc-can-co-de-xay-dung-quan-ly-va-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-ben-vung-545111