Cần mở rộng và nâng cấp Di tích lịch sử Pò Hèn thành di tích lịch sử cấp quốc gia

Cùng với Đồn Công an vũ trang Hiền Lương và Tượng đài chiến sĩ Công an vũ trang bảo vệ giới tuyến ở Quảng Trị; Khu trưng bày truyền thống An ninh vũ trang miền Nam ở Tây Ninh, Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ ở Điện Biên, Khu di tích lịch sử đồn 209 Pò Hèn ở Quảng Ninh là các công trình văn hóa mang dấu ấn, màu sắc truyền thống của lực lượng Công an nhân nhân dân vũ trang (nay là BĐBP).

Những thời khắc cùng CBCS Đồn Biên phòng Pò Hèn của những người đã gắn bó với CBCS Đồn CANDVT 209 Pò Hèn năm xưa.

Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được xây dựng trên nền của Đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn năm xưa tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) được tôn tạo năm 2010 từ nguồn vốn xã hội hóa của các tập thể, đơn vị, cá nhân gia đình thân nhân các liệt sĩ trên mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân sâu sắc. Tháng 3/2014, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.

Các CCB Biên phòng đều khẳng định, Pò Hèn là di tích lịch sử tiêu biểu nhất trên mảnh đất biên cương trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc không riêng của tỉnh Quảng Ninh mà là của lực lượng BĐBP Việt Nam. Bởi trong những ngày đó lực lượng Công an nhân nhân dân vũ trang Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm vào tuổi 20 (lực lượng Công an nhân nhân dân vũ trang, nay là BĐBP được thành lập ngày 3/3/1959)…

Địa danh Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái) ngày nay khung cảnh biên giới bình yên, 2 bên bờ sông đã được kè bê tông kiên cố. Lối mở Pò Hèn sang Thán Sản, Khu Phòng Thành (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi cho 2 địa phương trong giao thương, hợp tác hữu nghị, từ đó tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi bên theo tinh thần 16 chữ vàng và 4 tốt mà Đảng, Chính phủ, nhân dân hai nước Việt - Trung đã ký kết... Mảnh đất biên cương Pò Hèn, Thán Phún xưa đổi thay nhiều, diện mạo của vùng đất và đời sống của đồng bào Pò Hèn, Thán Phún đã đổi thay dần trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hôm nay tự hào về một Pò Hèn kiên cường năm xưa, nay không ngừng lớn mạnh, tiếp tục bám đất, bám dân giữ gìn vững chắc vùng đất phên dậu của Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Pò Hèn đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12/1979 và năm 2000 vì có nhiều thành tích xuất sắc trong bảo vệ biên giới, xây dựng bản làng, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc nơi đơn vị đóng quân.

Ông Lê Văn Thứ ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) một trong số rất ít chiến sĩ còn sống sót sau cuộc chiến tìm về trận địa Trạm kiểm soát biên phòng của Đồn CANDVT 209 Pò Hèn năm xưa.

Trong nhiều năm qua, chúng tôi có điều kiện đi thăm dọc tuyến biên giới Việt-Trung tìm hiểu về ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh biên giới 1979. Nhưng chúng tôi tâm đắc nhất khi cùng tìm hiểu để có một câu nói nào đó thể hiện được toàn bộ tinh thần chiến đấu của quân và dân các tỉnh biên giới những ngày chống quân xâm lược thì có lẽ câu nói của người chỉ huy hôm đó, trung úy Đồn phó, liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Đỗ Sĩ Họa là câu nói tiêu biểu nhất. Bởi tại trận địa của Đồn Công an nhân nhân dân vũ trang 209 Pò Hèn ngày ấy, khi quân xâm lược đã ào lên hết đợt này đến đợt khác, vừa kêu gọi ta đầu hàng, nhưng chúng chỉ nhận được câu trả lời đanh thép của người chỉ huy, Đồn phó Đỗ Sĩ Họa “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”… Đồn phó, Trung úy Đỗ Sĩ Họa, sinh năm 1947, quê ở xã Hồng Vân, huyện Ân Thi (Hưng Yên), lúc đó là Đồn phó phụ trách quân sự, hy sinh khi mới 32 tuổi.

"Tôi luôn tự hào về người cha, bác tôi, đó là động lực để tôi phấn đấu…" - chị Đỗ Lan Huệ (tuổi 39) giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), cháu ruột liệt sĩ Đồn phó, Anh hùng LLVTND Đỗ Sĩ Họa, hiện đang thờ cúng liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa thường khoe với chúng tôi như vậy. Bởi trước ngày hi sinh, Đồn phó Đỗ Sĩ Họa chưa có con đã nhắn nhủ em trai mình năm nay sinh con thì cho nhận 1 cháu để nuôi…

Cuộc chiến đã đi qua 40 năm, nhưng với những CCB của đồn 209 Pò Hèn năm xưa thì những tấm gương chiến đấu anh dũng trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó thì không bao giờ họ quên được. Không chỉ là Đài tưởng niệm tại vị trí của đồn xưa mà còn cả di tích trận địa chốt đồi Quế và trận địa Trạm kiểm soát trên quả đồi gần với Đồn Biên phòng Pò Hèn ngày nay. Ở đó, ngày nay đã được khắc ghi câu đối: Anh hùng tuy khuất mảnh gương sử sách vẫn còn nguyên/Dân tộc dõi truyền bia miệng công ơn khôn xiết kể và: Truyền thống muôn đời tạc tâm can/Công đức nghìn năm ghi bia đá.

Đầu xuân 2018, rất nhiều đoàn du khách đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn, TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Năm nay, kỷ niệm 59 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 29 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Đặc biệt là hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP 3/3 (1959-2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân 3/3 (1989-2019). Những CCB Biên phòng rất phấn khởi được biết, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đang tích cực phối hợp với Bộ Tham mưu BĐBP hoàn chỉnh Đề án xây dựng, tu bổ Di tích lịch sử Pò Hèn giai đoạn 2 với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Tâm nguyện của các CCB Biên phòng đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP và tỉnh Quảng Ninh cần sớm đề nghị mở rộng Di tích lịch sử Pò Hèn công nhận cả trận địa chốt đồi Quế và trận địa Trạm kiểm soát xưa, những địa danh lịch sử trên biên cương vào khu di tích và công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bởi đây là di tích tiêu biểu tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước và rất cần được khắc sâu trong tiềm thức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP như nghĩa của câu đối khắc ghi tại đây: Tận trung với nước lấy sơn hà xã tắc là thiêng/Tận hiếu với dân lấy độc lập tự do làm quý . Để di tích xứng tầm là di tích lịch sử cấp quốc gia, không chỉ thu hút du khách, mà còn là điểm “về nguồn” lý tưởng nhằm bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Xuân Quảng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/can-mo-rong-va-nang-cap-di-tich-lich-su-po-hen-thanh-di-tich-lich-su-cap-quoc-gia-tintuc396367