Cần minh oan cho con trai Hưng Đạo vương bị vu tội phản nghịch

Trong số 4 người con của Hưng Đạo vương thì Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng được ghi chép kỹ nhất bởi nghi án mà theo chúng tôi là rất oan uổng. Các bộ chính sử đều chép điển tích Hưng Đạo Vương thử lòng con để khi hậu thế đọc lại thì mặc nhiên cho rằng Trần Quốc Tảng là người có lòng phản nghịch.

Tượng Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng tại Quảng Ninh - Ảnh: báo Quảng Ninh

Tượng Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng tại Quảng Ninh - Ảnh: báo Quảng Ninh

Trong phần trước, chúng tôi có nhắc chuyện 4 người con trai của Hưng Đạo vương đều được phong vương gồm: Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Hiến vương Trần Quốc Uất, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện. Dân gian gọi 4 người con của Hưng Đạo vương là Tứ vị Vương tử.

Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn là con trai thứ nhất của Hưng Đạo vương, được phong là Khai Quốc công. Hưng Vũ vương cưới công chúa Thiên thụy, là phò mã của Trần Thánh Tông. Hưng Hiến vương Trần Quốc Uất là con thứ hai của Hưng Đạo vương, trấn thủ tại Cao Bằng. Trong tín ngưỡng dân gian, Hưng Hiến vương là vị thần chuyên trừ tà ma, tìm hài cốt trị trùng quỷ. Người con thứ tư Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện cũng là người tài giỏi nhưng khi xét công đánh đuổi quân Nguyên, Hưng Trí vương không được thăng trật, vì "đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng".

Riêng người con thứ ba, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng được ghi chép kỹ nhất bởi nghi án mà theo chúng tôi là rất oan uổng. Các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám đều chép điển tích Hưng Đạo Vương thử lòng con để khi hậu thế đọc lại thì mặc nhiên cho rằng Trần Quốc Tảng là người có lòng phản nghịch.

Điển tích chép: "Lúc sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng: "Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha dầu chết cũng không nhắm mắt được!". Trong bụng Quốc Tuấn vẫn không cho câu nói ấy là đúng. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, một mình nắm hết quyền bính trong nước trong quân, có lần Quốc Tuấn đem câu trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người can ngăn, nói: "Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan, chúng tôi mong học được như người mổ dê tên là Duyệt ở thời Xuân Thu ngày trước". Quốc Tuấn nghe hai người gia nô nói, vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi.

Có lần Quốc Tuấn giả vờ hỏi dò ý con là Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn rằng: "Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?". Quốc Nghiễn thưa rằng: "Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ". Quốc Tuấn rất lấy làm phải; sau lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Quốc Tảng tiến thẳng đến, nói: "Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ". Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng: "Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra". Nói rồi có ý muốn giết đi. Quốc Nghiễn vội chạy ra kêu khóc xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho. Khi Quốc Tuấn sắp mất, bảo Quốc Nghiễn rằng: "Sau khi ta chết, đậy nắp áo quan đâu đấy xong rồi, sẽ cho Quốc Tảng vào viếng khóc".

Điển tích có thể là câu chuyện dân gian chứ sự thực thì khó đảm bảo. Nhưng vì điển tích trên lại được các bộ chính sử viện dẫn và có ý nghĩa đề cao tấm lòng trung quân ái quốc của Hưng đạo vương nên dễ dàng được người đọc tiếp nhận. Chỉ có điều, điển tích đó khiến cho Hưng Nhượng vương bị mang tiếng. Chúng tôi sẽ chỉ ra những điểm vô lý trong điển tích trên.

Thứ nhất, khó có chuyện Hưng Đạo vương lại đưa ra câu hỏi mang tính phản nghịch như vậy ra làm đề bài với gia nô Yết Kiêu Dã Tượng rồi sau đó hỏi các con. Nếu chuyện lộ ra mà dư luận khi đó đồn đại "Hưng Đạo vương hỏi ý gia thần có nên cướp ngôi không" thì nước loạn. Còn nếu chuyện giữ kín như bưng thì lấy ai để chép điển tích này vào sử.

Thứ hai, chuyện Trần Liễu trăn trối với con trai hay chuyện Hưng Đạo vương hỏi các con đều là chuyện nội bộ gia đình không thể có người ngoài làm lộ thông tin cho "dân chép sử" được. Nếu có những lời này đi chăng nữa thì người trong nhà đâu thể nào "vạch áo cho người xem lưng" để mang tiếng xấu cho Trần Liễu và Trần Quốc Tảng.

Hai điều trên có thể mang tính suy luận nhưng điều thứ ba và quan trọng nhất để tin Quốc Tảng bị oan là sau đó "sự cố ghi trong điển tích", ông vẫn trọng dụng. Nếu Hưng Đạo vương ghét con đến mức không muốn nhìn mặt thì không bao giờ có chuyện tiếp tục để triều đình trọng dụng con trai, để Quốc Tảng tiếp tục giữ chức vương, tiếp tục giữ binh quyền.

Trong cuốn "Trần triều hiển thánh Chính kinh tập biên", in năm Thành Thái (1900) có chép như sau: "Quốc Tuấn công cho rằng, con trai tính ưa cương dũng ấy (tức Trần Quốc Tảng), không theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình, đày ra cửa bể Suất Ti Tuần thuộc phủ Hải Ninh, lộ An Bang". Đây cũng không phải chính sử nhưng tạo ra một hướng để có thể đoán định rằng giữa cha con Quốc Tuấn - Quốc Tảng có thể những bất đồng và tranh cãi gay gắt đến mức khó làm việc chung. Chứ còn dựa vào điển tích nói rằng Quốc Tảng có ý xui cha làm Triệu Khuông Dẫn (tạo binh biến Trần Kiều để cướp ngôi nhà Hậu Chu) thì không thỏa đáng.

Hãy nhớ rằng sau khi đại thắng Nguyên Mông lần thứ 3, nhà Trần phong thưởng rất công bằng. Sử chép: Tiến phong Hưng Đạo vương Quốc Tuấn làm Đại vương; Hưng Vũ vương Nghiễn làm Khai quốc công; Hưng Nhượng vương Tảng làm tiết độ sứ. Còn Đỗ Hành vì khi bắt được Ô Mã Nhi, không đem nộp nhà vua, nên chỉ được phong tước quan nội hầu; Hưng Trí vương Nghiễn vì trái tướng lệnh, ngăn cản đường quân Nguyên rút về nước, nên không được thăng trật. Đỗ Hành chỉ mắc lỗi nhỏ trong quy trình, con trai thứ tư của Hưng Đạo vương chỉ vì ham đánh giặc mà trái chủ trương chung (đáng ra được thông cảm nếu xét động cơ vi phạm) đều bị triều đình để ý thì làm sao có chuyện Quốc Tảng lại được phong làm Tiết độ sứ (có không gian quyền lực lớn) nếu có tư tưởng thoán nghịch.

Không chỉ vậy, một thời gian ngắn sau, triều đình lại nhắm đến Trần Quốc Tảng vào vị trí nhạy cảm là quốc trượng tương lai. vào năm 1292, “tháng 2 ngày mồng 3, lập Đông cung Thái tử Thuyên (tức Trần Anh Tông sau này) làm Hoàng thái tử. Lấy con gái trưởng của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng làm phi cho Thái tử”. Một năm sau, Anh Tông Hoàng đế kế vị, sách lập Hoàng thái tử phi Trần thị làm Văn Đức Phu nhân. Sau Anh Tông phế Văn Đức phu nhân nhưng cũng không muốn làm mếch lòng của Trần Quốc Tảng nên lập một con gái khác của ông làm Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng hậu. Nếu Quốc Tảng có lòng thoán nghịch thì các vua Trần có dám để ông ở vị trí như vậy không?

Năm 1313, Trần Quốc Tảng qua đời và được triều đình trung phong là thái úy. Đó là cái kết đẹp cho một danh tướng có công trong lịch sử chống Nguyên. Nhưng vì điển tích không đáng tin cậy trên mà sau này, hậu thế vẫn cứ nhớ đến chuyện ông mang tư tưởng thoán nghịch.

Điển tích cũng giống như chuyện ngụ ngôn, đôi khi để đề cao nhân vật này thì vô hình trung lại làm giảm giá trị của nhân vật khác. Chẳng hạn để ca ngợi lòng kiên nhẫn của rùa thì vô tình làm xấu hỉnh ảnh thỏ, hay để ca ngợi sự chăm chỉ của loài kiến thì truyện ngụ ngôn bôi bác loài ve... Rất có thể Hưng Nhượng vương cũng bị trở thành "nạn nhân của điển tích". Chúng ta nên nghĩ khác về ông.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/can-minh-oan-cho-con-trai-hung-dao-vuong-bi-vu-toi-phan-nghich-94612.html