Cần mạnh tay xử lý quảng cáo trái phép

Tại TP Hồ Chí Minh, nạn quảng cáo trái phép tràn lan, sai quy định đã tạo nên những hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, tuy nhiên không được chính quyền thành phố giải quyết triệt để, gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân.

Hầu hết các tuyến đường, hẻm, công trình công cộng, cây xanh, bờ tường đã và đang trở thành mục tiêu để các đối tượng lợi dụng dán, in các loại quảng cáo, tờ rơi. Từ cho vay tiêu dùng, hút hầm cầu, bán đất,... đều được dán, in lên nếu có chỗ trống. Thậm chí, các quảng cáo còn dán đè lên nhau. Nhiều bức tường mới được sơn sửa lại, chỉ vài hôm đã bị các đối tượng dán các loại quảng cáo chi chít rất phản cảm. Nhiều hộ dân, trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp gần như “bó tay” trước thực tế này. Họ đang trông chờ vào việc xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Từ nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực giải quyết tình trạng trên nhưng đến nay vẫn đang bế tắc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do thành phố vẫn thiếu cách thức xử lý quyết liệt để răn đe các đối tượng quảng cáo, người dán quảng cáo trái phép. Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã có những chế tài đủ mạnh, tạo thuận lợi cho chính quyền các quận, huyện chấn chỉnh các hành vi quảng cáo trái phép. Đơn cử, hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt tiền từ một đến hai triệu đồng; các cá nhân, đơn vị có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, việc “truy xuất” người đi dán, vẽ, cá nhân thuê người dán, vẽ lại đang khiến các cơ quan chức năng hết sức lúng túng. Những người được thuê dán quảng cáo thường là các sinh viên, người lao động nghèo,... cho nên việc xử lý hành chính rất khó khăn. Việc xác định chủ thể vi phạm là người có sản phẩm được quảng cáo cũng khó, vì người thực hiện dán quảng cáo phần lớn là người được thuê, không biết rõ chủ sản phẩm được quảng cáo là ai.

Trước đây, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện việc cắt thuê bao đối với các số điện thoại được in trong tờ quảng cáo và tờ rơi. Giải pháp này cũng rơi vào ngõ cụt khi các nghị định thay thế lại không quy định biện pháp khắc phục hậu quả, cho nên khi phát hiện hành vi vi phạm về quảng cáo có số điện thoại, cơ quan chức năng rất khó xử lý. Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện việc tuyên truyền đến các đối tượng có khả năng vi phạm như sinh viên, học sinh, người lao động nghèo… song hiệu quả không được như mong muốn.

Rõ ràng, việc xử lý các hành vi sai quy định nêu trên đã có chế tài nhưng nếu chúng ta không thực hiện triệt để sẽ lại rơi vào tình trạng “lờn thuốc”. Một thành phố văn minh, hiện đại không thể để các đối tượng lợi dụng không gian công cộng để thực hiện hành vi sai trái của mình. Trách nhiệm đó không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý hành chính trên lĩnh vực văn hóa và thông tin, mà còn là trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, xã hội khác. Muốn giải quyết triệt để tình trạng quảng cáo trái phép này, thành phố cần phải kết hợp giữa tuyên truyền, cùng với việc mạnh tay xử lý vi phạm.

NAM HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38076702-can-manh-tay-xu-ly-quang-cao-trai-phep.html