Cần mạnh tay với hành vi mua bán, giết mổ gia cầm 'lậu'

Dù đã có chế tài xử phạt nhưng tình trạng mua bán, giết mổ gia cầm trái phép vẫn diễn ra công khai tại nhiều địa phương. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải vào cuộc sát sao và mạnh tay hơn để xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh mua bán, giết mổ gia cầm sống bởi đây đã trở thành thực trạng quen thuộc tại nhiều địa phương trên cả nước. Hằng năm, dù các lực lượng chức năng đã thực hiện ra quân, kiểm tra, xử lý nhưng vẫn không “dẹp” được tình trạng trên.

Từ các khu chợ, điểm bán hàng rong, hay các lò giết mổ… đâu đâu cũng xuất hiện các loại gia cầm sống như gà, ngan, vịt… một số địa điểm còn hoạt động công khai, vô tư rao bán, mời chào khách. Đáng nói, tất cả các loại gia cầm đều được giới thiệu “sạch” nhưng không hề có giấy kiểm dịch.

Tại TPHCM, thực trạng mua bán, giết mổ gia cầm vẫn diễn ra hằng ngày, tập trung tại các khu chợ, các điểm bán tự phát gần các khu dân cư, khu công nghiệp, khu lưu trú… Ngoài mua bán gia cầm sống, chủ hàng vẫn nhận giết mổ khi khách hàng yêu cầu.

Thực trạng trên dấy lên nhiều nỗi lo ngại, bởi hành vi mua bán, giết mổ gia cầm sống có thể gây ra bệnh cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm lây sang người. Cạnh đó, một số điểm giết mổ còn làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Điểm bán gia cầm sống tại đường Phạm Hùng, trước cổng hồ Bơi Hòa Bình, Quận 8

Điểm bán gia cầm sống tại đường Phạm Hùng, trước cổng hồ Bơi Hòa Bình, Quận 8

Do các điểm mua bán trên hoạt động theo hình thức lưu động nên khi có lực lượng chức năng kiểm tra, họ gom hàng chạy đến điểm khác, khi thấy tình hình ổn lại tiếp tục bày bán. Thêm vào đó, những người buôn bán gia cầm sống từ nhiều nơi đổ về, không phải dân địa phương. Đây là những vấn đề gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Trước thực trạng trên, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, khuyến cáo không nên sử dụng gia cầm sống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Nếu có nhu cầu, người dân đến các cơ sở có giấy phép, được kiểm dịch để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với các cơ quan chức năng, cần thực hiện nghiêm các biện pháp để xử lý dứt điểm các trường hợp kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép; chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép.

Theo Khoản 6 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, theo đó phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.

Gia Nguyễn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/can-manh-tay-voi-hanh-vi-mua-ban-giet-mo-gia-cam-lau-83484.html