Cần luật hóa các quy định về thủ tục hành chính

Dự án Luật Hành chính công đang được Ban soạn thảo lấy ý kiến, hoàn thiện, dự kiến sẽ trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới. Như các ý kiến nhận định, việc quy định về thủ tục hành chính (TTHC) cũng như mô hình cung ứng dịch vụ hành chính công trong luật được kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả trong giải quyết TTHC.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng

Tập trung vào những điểm vướng

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh, Ban soạn thảo đã phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan để tổ chức tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến các nội dung chính của dự án luật hành chính công.

Qua khảo sát thực tế cho thấy băn khoăn, vướng mắc chủ yếu tại các bộ, ngành và địa phương là giải quyết TTHC và cung ứng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến hoàn thiện Dự Luật, Ban soạn thảo đã giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này. Theo đó, Dự Luật này quy định về TTHC, dịch vụ công, trách nhiệm, mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện.
Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, Dự Luật dành riêng một chương quy định về TTHC. Quy định mang tính nguyên tắc, tiêu chuẩn, yêu cầu trong việc ban hành, giải quyết, kiểm soát, công khai TTHC. Dự Luật cũng quy định việc cung ứng, các mô hình tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công. Các quy định này hướng tới mục tiêu xây dựng thể chế, chuẩn mực quốc gia về TTHC; giảm mạnh các thủ tục hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, tính hiệu quả, tính khả thi của các TTHC.
Góp ý vào Dự Luật, lãnh đạo nhiều địa phương cũng đồng tình, hiện nay các quy định về TTHC đã được các luật chuyên ngành quy định nhưng đưa ra tiêu chuẩn của một nền hành chính hiện đại phục vụ lại chưa có. Kiểm soát TTHC và cơ chế một cửa cũng mới chỉ được quy định ở tầm nghị định. Cần phải luật hóa các quy định, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả việc giải quyết TTHC; đảm bảo cho việc gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC.

Điều quan trọng là các quy định của luật cần bảo đảm được công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục, thực hiện đúng thời gian quy định, làm rõ được ai là người kiểm soát và giải quyết ách tắc, xử lý vi phạm khi giải quyết TTHC; bảo đảm được sự liên thông, đồng bộ trong hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm.
Lưu ý lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho rằng, nếu Dự Luật tập trung giải quyết được những vấn đề về TTHC và dịch vụ hành chính công hiện nay sẽ thực hiện được mục tiêu rất quan trọng đó là góp phần hiện thực hóa quyết tâm, mục tiêu xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển liêm chính hành động phục vụ người dân và DN.

Do các TTHC ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN, nên các quy định của luật phải đảm bảo chất lượng và hướng đến cung ứng dịch vụ chất lượng tốt. Ban soạn thảo cần nghĩ đến lợi ích của người dân và DN, phải lấy người dân và DN làm trung tâm, là khách hàng trong nền hành chính kiến tạo, phục vụ để xây dựng các quy định rõ ràng, minh bạch, thuận lợi khi thực hiện.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng cho rằng, các quy định về TTHC cần quy định rõ ràng, không thể chỉ nêu tên TTHC mà không nêu các thành tố cấu thành để khắc phục tình trạng tùy nghi trong tổ chức thực hiện.
Nhiều ý kiến cũng lưu ý đến vấn đề đặt ra trong xây dựng Chính phủ điện tử, cổng thông tin hành chính công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử, phải có những quy định để có giải pháp công nghệ giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Đồng thời có cơ chế đánh giá và mức độ hài lòng của người dân, DN, tiếp cận với chỉ số KPI – đo đếm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan hành chính.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-luat-hoa-cac-quy-dinh-ve-thu-tuc-hanh-chinh-323860.html