Càn Long không yêu Lệnh Phi như nhiều người nghĩ, hậu đãi chỉ vì giữ thể diện cho Hoàng đế tương lai?

Một số nhà sử gia cho rằng Càn Long đối đãi tốt với Lệnh Phi chẳng qua là do cái bóng của Phú Sát Hoàng hậu và truy phong bà lên làm Hoàng hậu là để giữ thể diện cho Hoàng đế tương lai.

Trong bộ phim Diên Hi công lược, nhiều khán giả từ Trung sang Việt đều ngưỡng mộ trước mối tình giữa Càn Long Đế và Lệnh Phi Ngụy Anh Lạc. Vì vậy, không ít người cho rằng, chắc hẳn tình yêu mà Càn Long dành cho Lệnh phi trong lịch sử cũng sẽ dào dạt như trong phim.

Thế nhưng, trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, Càn Long tuy có sủng ái Lệnh Phi Vệ Yến Uyển nhưng mọi hậu đãi đều là do Yến Uyển bất chấp thủ đoạn, giẫm đạp lên những người khác để trèo lên, thậm chí là cả mạng sống của mẹ đẻ. Để đến khi mọi tội ác của Lệnh Phi Vệ Yến Uyển bị phơi bày, Càn Long đế đã hành hạ cô hết sức tàn nhẫn.

Nhân vật Lệnh Phi trong Hậu cung Như Ý truyện (trái) và Diên Hi công lược.

Nhân vật Lệnh Phi trong Hậu cung Như Ý truyện (trái) và Diên Hi công lược.

Mỗi ngày đều cho uống thuốc độc, khiến cô đau đớn tột cùng, sau đó cho uống thuốc giải để giữ lấy hơi thở tàn. Ngày qua ngày trong suốt 10 năm, Vệ Yến Uyển đều bị hành hạ như vậy. Cho đến khi Càn Long nhường ngôi cho Thập ngũ A ca Vĩnh Diễm, con trai của Lệnh Phi, Càn long mới xuống tay đoạt đi mạng sống của Vệ Yến Uyển - người từng hầu hạ và sinh cho ông tới 6 người con - để giữ thể diện cho Hoàng đế tương lai.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt lớn đến vậy về mối quan hệ giữa Càn Long và Lệnh Phi trong hai bộ phim hay chỉ đơn giản rằng nhân vật Lệnh Phi một bên là “con đẻ” và một bên là “con ghẻ” của các nhà làm phim? Thực chất mối quan hệ giữa Càn Long đế và Lệnh Phi trong lịch sử vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi cho các nhà sử gia Trung Quốc.

Càn Long cưng chiều Lệnh Phi hết mực

Nói về mối quan hệ này, nhiều sử gia nói rằng nhìn cách Càn Long Đế tổ chức tang lễ cho Lệnh Phi, thời kỳ sinh nở liên tiếp của bà và đặc biệt là việc Càn Long lập con trai Thập ngũ A Ca lên làm vua, là biết Càn Long đế yêu thương vị phi tần như thế nào.

Chân dung của Lệnh Phi trong lịch sử.

Lệnh Phi Ngụy thị lúc mới nhập cung chỉ là một cung nữ thấp cổ bé họng nhưng 6 năm sau, bà đã được Càn Long đế sắc phong làm Quý nhân. Sau khi chuyển mình từ nô tì thành chủ tử, Ngụy thị từng bước từng bước đi lên vị trí Hoàng quý phi, cai quản lục cung và khi qua đời được truy phong làm Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu.

Sự yêu thương của Càn Long dành cho Lệnh Phi còn thể hiện qua việc sủng hạnh liên tục, cũng nhờ đó mà bà liên tiếp mang thai và sinh hạ cho Càn Long Đế 2 công chúa, 4 hoàng tử. Cụ thể, từ năm 1756 đến năm 1760, bà mang thai 5 lần, sinh được 2 công chúa và 2 hoàng tử, một lần không may bị sảy thai. Năm 1762, bà sinh Hoàng thập lục tử và năm 1766, bà sinh hạ Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân ở độ tuổi 39.

Năm 1765, Kế Hoàng hậu Na Lạp thị đột ngột bị thất sủng, bị giam lỏng trong cung. Lúc này, Lệnh Phi được sắc phong làm Hoàng quý phi, cai quản lục cung.

Trong Diên Hi công lược, Càn Long thập phần sủng ái Lệnh Phi.

Khi qua đời ở tuổi 49, Càn Long đế còn ngừng thiết triều 5 ngày, để tang Lệnh Phi. Lượng văn vật bồi táng của bà còn được thêm 18 kiện so với đãi ngộ thông thường dành cho Hoàng quý phi khi tổng cộng có tới 76 kiện, chỉ kém 1 kiện so với Hoàng hậu. Bên cạnh đó, Lệnh Ý hoàng quý phi là người thứ 5 và cũng là người cuối cùng được hợp táng cùng với Càn Long tại địa cung.

Nhiều nhà sử gia còn cho rằng, sự sủng ái của Càn Long dành cho Lệnh Phi được thể hiện cao nhất là vào năm Càn Long thứ 60 (1795), khi ông lập con trai của bà là Thập ngũ A Ca lên làm vua, chính là vua Gia Khánh sau này.

Lệnh Phi không phải là người Càn Long yêu nhất

Ngoài ý kiến đó, nhiều nhà sử gia khẳng định rằng, trong 3 vị Hoàng hậu, Càn Long yêu Phú Sát Hoàng hậu nhất, không yêu Kế Hoàng hậu còn Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu thì không rõ ông có yêu hay không. Thậm chí, có người còn hoài nghi Càn Long đế sủng ái Lệnh Phi chỉ là do cái bóng của Phú Sát Hoàng hậu.

Nhiều người cho rằng Càn Long sủng ái Lệnh Phi là do vương vấn hình bóng của Phú Sát Hoàng hậu. Chân dung của Lệnh Phi (trái) và Phú Sát Hoàng hậu (phải) trong lịch sử.

Bởi lẽ, khi nhập cung, Lệnh Phi tuy thân phận là cung nữ nhưng Ngụy thị cũng có gia thế nhất định trong các nữ tử Bao y, nên có thể bà được trở thành cung nữ thân cận của Hiếu Hiền Hoàng hậu, do đích thân vị Hoàng hậu này chỉ bảo. Vì vậy, không loại trừ khả năng Càn Long sủng ái Lệnh Phi là do người ông từng yêu thương nay được “tái sinh” trong cô gái Ngụy thị. Để rồi đến khi Lệnh Phi qua đời và được truy Hậu, Càn Long đế cũng lấy lý do bồi hầu Hiếu Hiền Hoàng hậu phụ địa cung.

Bên cạnh đó, Càn Long có hành động phân biệt đối xử khá kỳ quặc với vị Lệnh Phi này. Theo luật lệ của nhà Thanh, sắc phong một vị phi tần nào đó lên Quý phi sẽ được ra chỉ dụ tế cáo Thái miếu (như đã làm với Nhàn Quý phi, Thuần Quý phi, Gia Quý phi), nhưng đến Lệnh Phi lễ sắc phòng này bị dẹp bỏ.

Ngược lại, vào năm Càn Long thứ 33 (1768), Khánh Quý phi được sắc phong, Càn Long vẫn ra chỉ dụ tế cáo Thái miếu như thường lệ. Câu hỏi được đặt ra là Càn Long sủng ái Lệnh Phi vậy tại sao không dành những nghi lễ trang trọng như theo quy định cho phi tử của mình?

Tuy đứng đầu cai quản lục cung như Lệnh Phi chỉ mang danh hiệu Hoàng quý phi trong suốt 10 năm mà không được sắc phong làm Hoàng hậu.

Đỉnh cao của sự nghi ngờ về tình cảm của Càn Long đối đãi với Lệnh Phi thể hiện qua vị trí Hoàng quý phi của Ngụy Giai thị mang trên người ròng rã suốt 10 năm. Theo luật lệ Thanh triều, Hoàng đế có thể lập tân hậu sau khi mãn tang vị Hoàng hậu cũ 3 năm. Thế nhưng, Lệnh Phi lại mang danh Hoàng quý phi suốt 10 năm và chỉ đến khi qua đời, con trai lên ngôi vua mới được truy phong làm Hoàng hậu.

Tuy nhiên, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, được con đẻ truy phong danh Hoàng hậu, Lệnh Ý Hoàng quý phi cũng không được nhận trọn vẹn những ân huệ như luật lệ. Theo ân điển của một Hoàng hậu được truy phong, thần vị của bà nên có ở Thái miếu và cử hành nghi lễ tế cáo đất trời. Nhưng cuối cùng, Càn Long vẫn nhất quyết đặt thần vị của Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu ở điện Phụng Tiên, chứ không được đưa vào Thái miếu, mặc dù được các đại thần đề nghị.

Còn lý giải về việc Càn Long chọn con trai của Lệnh Phi là Thập ngũ A ca Vĩnh Diễm lên ngôi Hoàng đế là vì tình yêu của ông đối với Lệnh Phi, nhiều sử sách ghi lại rằng chẳng qua lúc này Càn Long đế không còn lựa chọn nào tốt hơn, bởi vì các con của ông lúc này người qua đời từ sớm, người bị thương tật, kẻ không có chí tiến thủ.

Kết cục của Lệnh phi Vệ Yến Uyển trong phim Hậu cung Như Ý truyện vô cùng bi thảm.

Bên cạnh đó, Càn Long chọn Vĩnh Diễm vì vị Hoàng tử này rất hiếu thảo, nhất nhất nghe theo lời ông, nên khi Càn Long nhường ngôi lui về làm Thái Thượng Hoàng, ông vẫn có thể nằm quyền lực trong tay, biến Gia Khánh đế (Vĩnh Diễm) làm một vị Hoàng đế bù nhìn, có danh nhưng không có thực. Cũng vì đó mà trong giai đoạn này, triều Thanh tồn tại cùng lúc “hai vị hoàng đế” và được sử gọi là biện pháp “Huấn chính”.

Còn về việc truy phong Lệnh Ý Hoàng quý phi làm Hoàng hậu và có thêm 18 kiện bồi táng là do Càn Long đế muốn giữ thể diện cho vị Hoàng đế tương lai. Bởi lẽ, Lệnh Phi xét cho cùng cũng chỉ xuất thân từ một cung nữ có địa vị thấp kém, không có gia thế hiển hách chống lưng như các vị phi tần khác.

Tóm lại, mối quan hệ giữa Càn Long đế và Lệnh Ý Hoàng quý phi vẫn còn là một ẩn số gây ra nhiều tranh cãi đối với các nhà sử gia.

Phương An

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/kham-pha/can-long-khong-yeu-lenh-phi-nhu-nhieu-nguoi-nghi-hau-dai-chi-vi-giu-the-dien-cho-hoang-de-tuong-lai-3889424.html