Cần lồng ghép hiệu quả phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, vì thế, Việt Nam cần thực hiện lồng ghép một cách có hiệu quả giữa các mặt phát triển: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội.

Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030. Ảnh minh họa: Internet.

Đây là khuyến nghị của TS. Đặng Đức Anh, Ban Phân tích và Dự Báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, (Bộ KH&ĐT) trong tham luận về dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn dưới tác động của yếu tố môi trường.

Theo TS. Đặng Đức Anh, Việt Nam được xếp là một trong những nước chịu tác động mạnh nhất của thiên tai như lũ lụt, bão, lốc xoáy, sạt lở đất và hạn hán. 59% diện tích và 71% dân số chịu tác động của lốc xoáy và lũ lụt.

Kết quả nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015 cho thấy, đến cuối thế kỷ 21, sự gia tăng 1m của mực nước biển có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.

Còn kết quả nghiên cứu của tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường DARA International trong năm 2012 cũng cho thấy, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.

Bên cạnh những tác động trực tiếp, về gián tiếp, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn hoặc mất đất canh tác không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động đến việc làm, thu nhập của hộ gia đình, DN; qua đó ảnh hưởng đến thu ngân sách và đầu tư.

Từ những hậu quả của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường mà Việt Nam có thể phải gánh chịu, theo khuyến nghị của TS Đặng Đức Anh, Việt Nam cần khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, nhiên liệu sinh học, năng lượng mới, năng lượng tái tạo đồng thời phải cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

“Việt Nam cần xây dựng cơ chế cụ thể khuyến khích và huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường. Đặc biệt, cần thực hiện lồng ghép một cách có hiệu quả giữa các mặt phát triển: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội“, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-long-ghep-hieu-qua-phat-trien-kinh-te-va-bao-ve-moi-truong.aspx