Cần loại bỏ chất phụ gia gây ung thư

Chuyên gia khẳng định chất phụ gia axit benzoic trong tương ớt Chin-su của Masan có thể phản ứng với với vitamin C (có hàm lượng khá cao trong trái ớt) sinh ra benzen - chất có thể gây ung thư. Đặc biệt, lô hàng bị Nhật thu hồi đó có phải của Masan hay không, Công ty này phải làm rõ và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình theo luật định.

Tương ớt Chin-su bị Nhật buộc thu hồi (Hình ảnh từ city.osaka)

Tương ớt Chin-su bị Nhật buộc thu hồi (Hình ảnh từ city.osaka)

Chất phụ gia là chất độc?

“Nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, benzoic có thể phản ứng với vitamin C, hàm lượng rất cao trong ớt, sinh ra benzen - một chất có thể gây ung thư” – TS. Phan Thế Đồng - chuyên gia về công nghệ thực phẩm, giảng viên Đại học Hoa Sen - TP.HCM - cho biết.

Axit benzoic mặc dù được các nhà khoa học khẳng định là chất phụ gia cho phép sử dụng trong một số thực phẩm, nhưng theo phân tích khoa học, benzoic có khả năng phản ứng với vitamin C (hàm lượng khá cao trong trái ớt), sinh ra benzen - chất có thể gây ung thư. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến phía Nhật buộc thu hồi các sản phẩm tương ớt Chin-su của Masan.

CTV của VietTimes tại Nhật cho biết những ngày qua cộng đồng người Việt cũng bàn tán xôn xao về việc người Nhật trả 18.000 chai tương ớt Chin-su của Masan về Việt Nam. Nhiều người Việt đang sống tại Nhật cho biết loại tương này vẫn đang lưu hành tại các tiệm bán đồ ăn Việt. Chỉ có người Việt tiêu thụ loại tương này, còn siêu thị Nhật không nhập khẩu và không bán.

Người Việt sống tại Nhật cho biết siêu thị Nhật không bán mặt hàng này (loại tương ớt bị buộc thu hồi - ảnh từ city.osaka)

“Lô hàng đó có phải của Masan hay không thì Công ty này phải làm rõ và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình theo luật định. Nếu không phải hàng của mình, thì Công ty này nên đưa ra bằng chứng khoa học về sản phẩm thuyết phục các cơ quan kiểm định trong nước và quốc tế” – Nhà báo Nguyễn Thế Thanh có ý kiến.

Tương ớt Chin-su của Masan đang bán trên thị trường nội địa Việt là chuyện hoàn toàn bình thường. TS. Phan Thế Đồng phân tích: “Trong chế biến thực phẩm axit benzoic được coi là chất bảo quản bình thường, không phải chất cấm, đã được nghiên cứu khoa học, khảo sát rất kỹ trên thế giới. Ban đầu người ta thử nghiệm trên thú để xác định liều lượng an toàn cho cơ thể sống. Khi áp dụng từ con thú sang con người thì liều lượng này được làm thấp xuống chỉ còn từ 1/10 đến 1/100 và được gọi là chỉ số ADI – tức là liều lượng tối đa của một hợp chất mà con người có thể tiêu thụ hàng ngày, nhưng không gây bất cứ nguy cơ tổn hại nào cho sức khỏe. Từ chỉ số ADI cho phép, sẽ tính ra được hàm lượng cho phép sử dụng chất này trong thực phẩm, dựa trên các khảo sát về mức độ phơi nhiễm chất đó khi tiêu dùng thực phẩm”.

Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hiện quy định axit sorbic được sử dụng trong thực phẩm từ 0,05-0,2% (tối đa 1%), còn axit benzoic sử dụng từ 0,05-0,1%.

Chiếu theo tiêu chuẩn của Codex so với hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin-su của Masan bị Nhật trả về (lần lượt 0,41g/kg; 0,44g/kg và 0,45g/kg), theo TS. Phan Thế Đồng thì lô tương ớt bị thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế.

Sự lựa chọn của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân

TS. Phan Thế Đồng cho biết đối với các quốc gia đặt yêu cầu cao về tiêu chuẩn sức khỏe cộng đồng, như Nhật Bản, họ sẽ nghiên cứu, khảo sát rất kỹ về mức độ phơi nhiễm và đưa ra những quy định về liều lượng ở mức rất thấp, đảm bảo không có bất cứ nguy cơ nào cho người dân.

Với những quốc gia không “bị ám ảnh bởi độc tính của chất phụ gia” , chẳng hạn như người Mỹ, mặc dù nghiên cứu khảo sát kỹ nhưng vẫn không áp dụng quy định cấm axit benzoic trong chế biến thực phẩm, vì họ tin tưởng vào các kết quả nghiên cứu và khảo sát của họ.

TS Phan Thế Đồng - chuyên gia về công nghệ thực phẩm, giảng viên Đại học Hoa Sen - TP.HCM

“Các quốc gia không có điều kiện khảo sát kỹ, thì có thể lấy tiêu chuẩn quốc tế về để áp dụng, là đã đảm bảo mức độ an toàn cao rồi, nhưng tất nhiên vẫn tồn tại rủi ro” – TS. Phan Thế Đồng nói.

Ý kiến của nhà báo Nguyễn Thế Thanh cho rằng: “Tuy benzoic là chất phụ gia không gây ngộ độ trực tiếp, nhưng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Một khi nó có khả năng phản ứng với vitamin C sinh ra hợp chất có nguy cơ ung thư, thì nên đánh giá lại khả năng và mức độ sử dụng nó trong sản phẩm trước khi bán nó ở bất cứ quốc gia nào, đừng nói là lại chỉ bán trên thị trường nội địa để “phục vụ” đồng bào. Theo tôi, thông tin này gây một mối lo ngại cho người dùng sản phẩm này ở bất cứ quốc gia nào”.

TS Phan Thế Đồng phân tích chi tiết: “Tương ớt, tương cà, trên thị trường hiện nay đa phần có sử dụng benzoic làm chất bảo quản. Chất này còn được sử dụng trong các chế phẩm nước giải khát đóng chai. Nếu dây chuyền hiện đại, khâu chiết rót tốt thì sẽ hạn chế được sự lây nhiễm và không cần phải sử dụng đến axit benzoic. Nhưng về cơ bản, các đơn vị sản xuất của chúng ta không đảm bảo chắc chắn được như thế, nên vẫn phải sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm. Tùy theo thành phần của thực phẩm, một số chất phụ gia có thể phản ứng với các chất khác sinh ra chất không có lợi cho sức khỏe và/hoặc làm mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng vốn có trong thực phẩm và rất cần thiết cho cơ thể người”.

Việt Nam đã tổ chức thực hiện những khảo sát cần thiết về mức độ phơi nhiễm của benzoic và nhiều chất phụ gia khác hay chưa? Về vấn đề này chúng ta vẫn không có đủ thông tin để khẵng định. Các phụ gia sử dụng trong thực phẩm khác trên các vùng cư dân bản địa, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm truyền thống, chủ yếu là áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, điều này có phù hợp với thực phẩm và thói quen tiêu dùng của người Việt hay không thì người tiêu dùng vẫn đành phải chấp nhận thực tế này.

“Vấn đề là liệu các bên liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm trên thị trường có đặt mục tiêu sức khỏe cộng đồng lên trên hết hay không? Để xảy ra những cuộc chiến thương trường như một số vụ việc vừa qua, tức là ít hay nhiều sẽ có những thiệt hại và thiệt hại nhiều nhất chính là sức khỏe người tiêu dùng” – TS. Phan Thế Đồng chia sẻ thêm.

Trên quan điểm bảo vệ người tiêu dùng, nhà báo Nguyễn Thế Thanh cương quyết: “Tôi không nói phải tẩy chay nhưng việc mua một sản phẩm của bất kỳ thương hiệu nào, mà trong đó đã bị mang tiếng có chứa phụ gia độc hại (mặc dù thực chất có đến mức độc hại như người ta nghĩ hay không), thì cũng là điều rất đáng lo ngại và khiến người tiêu dùng phải tìm đến một sản phẩm của thương hiệu khác mà mình có thể đặt niềm tin. Tôi cho rằng, phía Masan cần chủ động nhanh chóng lấy lại lòng tin của người tiêu dùng bằng những minh chứng minh bạch đối với những sản phẩm đã bị phía Nhật từ chối. Tốt nhất là sớm có biện pháp thay thế cho các phụ gia như axit benzoic”.

Hòa Bình

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/can-loai-bo-chat-phu-gia-gay-ung-thu-350201.html