Cần lộ trình và phương pháp triển khai phù hợp

Theo chương trình 'Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố' được UBND TP. Hà Nội công bố, những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi tại Hà Nội nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền để đổi sang xe mới.

Hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm

Nhằm từng bước giúp kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa đề xuất thành phố Hà Nội chấp thuận chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.

Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy; trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và trên 730.000 ôtô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.

Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.

Cụ thể, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông. Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp.

Nguồn kinh phí này sẽ do VAMM chủ động cung cấp. Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng từ tháng 9 – 12-2020 với số lượng ước khoảng 5.000 mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.

Người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Những chiếc mô tô, xe máy cũ sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng. 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận gồm Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.

Chị Đồng Thu Hà, ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, nhiều lần đi trên phố bắt gặp tiếng ồn và khói phát ra từ những chiếc xe cũ, chị rất ái ngại. Nếu cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ giảm thiểu các phương tiện này thì rất tốt.

Anh Nguyễn Bá Thanh, quê ở Ninh Bình, có thâm niên làm nghề chở hàng thuê hàng chục năm nay tại Hà Nội, có nhiều chia sẻ về chiếc xe Dream cũ nát dựng cạnh gốc cây trên đường Giảng Võ. “Tôi mua lại xe từ một người bạn cùng ở trọ trên phố Cầu Giấy vào năm 1999.

Chiếc xe chủ yếu được sử dụng để chở những hàng hóa như bàn ghế đặt đóng trên các cửa hàng tại phố Đê La Thành... tới nhà khách đặt.

Dù đã gia cố thêm bộ khung chống sốc cho chiếc xe song đi đường phát ra các tiếng kêu cọt kẹt. Do tiền công vận chuyển rẻ, trong khi độ linh hoạt và tiện dụng lại cao, chiếc xe cũ của tôi vẫn hoạt động rất năng suất và là cần câu cơm của bốn miệng ăn trong nhà,” anh Thanh nói.

Nhiều phương tiện cũ lưu thông trên đường có thể gây ra nguy cơ về ô nhiễm và mất an toàn giao thông.

Nhiều phương tiện cũ lưu thông trên đường có thể gây ra nguy cơ về ô nhiễm và mất an toàn giao thông.

Cần lộ trình và phương pháp phù hợp

Tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy đã cũ nát lưu thông trên đường. Một số khu vực tập trung nhiều như trục đường Phạm Hùng - Vành đai 3, chợ đầu mối Long Biên và các bến xe... Xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là 2,5 triệu xe máy có tuổi đời trên 20 năm (đăng ký trước năm 2000) và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30 năm- 50 năm.

Cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn nào để xác định niên hạn sử dụng an toàn đối với xe máy nên lực lượng cảnh sát giao thông chỉ có thể xử phạt khi các phương tiện này vi phạm an toàn giao thông.

Nếu xe đầy đủ giấy tờ chứng minh là tài sản riêng thì không thể tịch thu, loại bỏ được. Vì vậy, chủ trương đổi mới xe máy cũ là một phương án rất văn minh, nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân vì không chỉ kích cầu thị trường của các nhà sản xuất mà nó còn giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Điều quan trọng là lộ trình và phương pháp thực hiện.

Khi cần mua một chiếc xe máy mới thì mức hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng là chưa đủ và còn khó khăn cho người gặp vấn đề về kinh tế.

Phương án khả dĩ có thể đề xuất là thêm sự hỗ trợ cho chủ xe trả góp và không tính lãi trong thời gian nhất định để thực sự khuyến khích họ từ bỏ xe cũ nát. Cùng với đó, bản thân người đổi xe cũng phải có sự đóng góp ít nhất 20% vào giá trị xe mới.

Với khoảng 2,5 triệu xe, cần khoản tiền khoảng 5.000-10.000 tỷ đồng và đây là sẽ là số tiền rất lớn cần được cân đối từ các nguồn xã hội.

Chương trình thí điểm cũng đặt ra yêu cầu chuẩn bị cơ sở kho bãi lưu giữ các xe máy cũ được thu hồi, đồng thời phối hợp với các công ty tái chế để xử lý số xe trên, đảm bảo toàn bộ xe thu hồi được xử lý.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình thành phố thì sẽ có hai nguồn kinh phí để thực hiện chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố"

Thứ nhất, Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe.... Thứ hai, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì các hoạt động tuyên truyền. Kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020 tại nhiệm vụ: Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố...

Anh Hùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-lo-trinh-va-phuong-phap-trien-khai-phu-hop-209896.html