Cần 'liều thuốc' đặc trị

Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế và nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp là hai mặt của một vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trục lợi càng lớn, nợ đọng càng cao thì càng ảnh hưởng trầm trọng đến quyền lợi của hàng triệu người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Liệu có “liều thuốc” đặc trị nào khả dĩ có thể “cắt cơn” và trừ tận gốc vấn nạn này?

Thực trạng trục lợi bảo hiểm y tế, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày một tăng cao ở các địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi sát sườn trong việc thụ hưởng các chế độ của người lao động. Bản thân chính sách bảo hiểm xã hội cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đơn cử như chưa theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, còn mang nặng tính bao cấp.

Quyền lợi được hưởng ở mức cao hơn mức đóng góp, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế của người lao động. Đặc biệt, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm mà có chiều hướng gia tăng, tác động không tốt tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động khi hết tuổi làm việc.

Tính đến hết tháng 10, số nợ 3 loại bảo hiểm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong khi việc khởi kiện doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đã được quy định tại Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm, nhưng lại vướng Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động. Ở một số địa phương, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh phải phối hợp với công đoàn các cấp lập hồ sơ những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm đề nghị khởi kiện ra tòa; Phối hợp với cơ quan công an chuyển hồ sơ đơn vị, công ty, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để điều tra xử lý.

Tuy vậy, có nhiều doanh nghiệp bất hợp tác. Ngay cả khi đã lập biên bản xử phạt, nhiều đơn vị vẫn không thi hành, tình trạng “nhờn luật” diễn ra không ít. Nếu không thanh tra thì làm sao có cơ sở để xử lý hình sự.

Không thanh tra là lỗi của ngành bảo hiểm xã hội, song rất cần sự chung tay vào cuộc của các sở, ban, ngành, nhất là chính quyền địa phương. Cùng với đó, ngành bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, cần đẩy mạnh công tác rà soát cấp mã số bảo hiểm xã hội, đổi thẻ bảo hiểm y tế mới theo mã số. Đây được coi là giải pháp căn cơ, lâu dài ngăn chặn tình trạng trục lợi, nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, phát triển Quỹ Bảo hiểm xã hội bền vững, bảo vệ chính đáng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ngành bảo hiểm xã hội. Thách thức, khó khăn còn nhiều nên đòi hỏi giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Đã đến lúc cần “liều thuốc” đặc trị.

Đan Thanh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/can-lieu-thuoc-dac-tri/750148.antd