Cần lấy ý kiến người dân về dịch vụ công trên chính quyền điện tử

Sáng 29/8, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dịch vụ công trên chính quyền điện tử cần lấy ý kiến người dân

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan (thành viên Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ) cho biết, việc triển khai Chính phủ điện tử đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Tháng 3/2019, Chính phủ đã khai thông trục liên thông văn bản quốc gia, chấm dứt việc gửi nhận tài liệu, công văn giấy theo phương thức cũ. Tháng 6/2019, hệ thống họp trực tuyến E-cabinet chính thức vận hành, giúp giảm việc họp hành, dành thời gian cho các cơ quan thuộc khối chính quyền tập trung cho hoạt động điều hành… Theo đó, Chính phủ sẽ sớm tiến đến mô hình một Chính phủ phi giấy tờ. Song song với xu thế này, các địa phương đã triển khai mạnh mẽ các cải cách, đổi mới; đã có nhiều thành phố thông minh, những chính quyền gọn nhẹ, năng động dần hình thành.

Các địa phương đã bắt đầu triển khai nền tảng chính quyền điện tử. Như Hải Phòng đã bố trí mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, Bắc Giang mỗi năm bố trí khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện các hệ thống cốt lõi xây dựng chính quyền điện tử… Đáng chú ý, hầu hết trong số 353 thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai cung cấp trực tuyến theo quyết định của Thủ tướng, 91 thủ tục đang được các địa phương triển khai… Một số địa phương có số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khá cao.

Công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính của các địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện qua việc cải thiện thứ bậc của các chỉ số, như chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Hà Nội đứng thứ hai, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí tốp 5…

Tuy nhiên, vẫn còn những nhiệm vụ chậm triển khai và chưa đáp ứng yêu cầu. Theo báo cáo, đến nay, 5/8 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương) chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử. Hải Phòng ban hành quy chế từ năm 2016 nhưng cũng chưa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới tại Quyết định số 28 của Thủ tướng. Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ từ ngày trục liên thông văn bản quốc gia vận hành đến ngày 20/8/2019 của một số địa phương chưa cao, như Vĩnh Phúc 17,9%, Hải Dương 35,5%. Thể thức ký số của 6/8 địa phương (Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ) chưa tuân thủ quy định. Nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử...

Theo ông Ngô Hải Phan, cần khắc phục tình trạng các địa phương cung ứng các dịch vụ công trực tuyến một cách tràn lan, áp dụng tới hàng nghìn dịch vụ nhưng không phục vụ thiết thực người dân, doanh nghiệp. "Kinh nghiệm là phải lấy người dùng làm trung tâm, tức dịch vụ công trước khi đưa lên hệ thống trực tuyến cần phải đưa ra lấy ý kiến người dân, tán thành thì mới triển khai. Chứ nếu chủ quan, duy ý chí, cho rằng làm như vậy tốt rồi, cứ bung ra thì thực tế là dù có thủ tục thật nhưng người dân vẫn không dùng” – Cục trưởng Ngô Hải Phan nói.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, một số những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Như việc chậm ban hành một số Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà thông tin về việc tỉnh nhà vẫn chưa xây dựng được cổng dịch vụ công trực tuyến. Nguyên nhân là nhiều năm qua phần mềm quản lý bộ phận một cửa của Bắc Giang do 3 đơn vị khác nhau cung cấp, nhiều nội dung “vênh” không khai thác được.

Theo bà Hà, để khắc phục vấn đề này, cuối năm 2015 tỉnh đã tiến hành chuẩn hóa thành một phần mềm thống nhất. Theo kế hoạch, cổng dịch vụ công sau khi hoàn thiện sẽ triển khai từ đầu năm 2019 nhưng theo hướng dẫn, phần mềm ứng dụng cần phải có sự thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Vừa rồi Bắc Giang mới có ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép sử dụng phần mềm này.

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị nên có quy định chuẩn hóa về phần mềm quản lý hoạt động của bộ phận một cửa để tránh việc mỗi đơn vị phải tự làm rồi lại đi xin thẩm định.

Tiếp tục cải cách thực chất hơn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là xu thế tất yếu, là việc phải làm trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, quá trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, mục tiêu hướng tới là giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, làm cho chính quyền năng động, hiệu quả hơn. Theo đó, Chính phủ điện tử cần giải quyết 4 mối quan hệ: quan hệ Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ với cán bộ công chức. Trong đó, việc xử lý tốt các mối quan hệ bên trong Chính phủ là điều kiện nền tảng để giải quyết được các vấn đề trong quan hệ với người dân và doanh nghiệp.

Với nỗ lực trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, các cơ quan đã làm được nhiều việc, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên việc triển khai cần thực chất hơn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện cuộc họp kiểm tra với 8 tỉnh, thành phía Bắc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu nguyên tắc: “Tổ công tác của Thủ tướng xác định không để nhiệm vụ nào không được hoàn thành, hơn nữa, phải hoàn thành với chất lượng và tiến độ đảm bảo”.

"Những khó khăn, vướng mắc là rất nhiều theo phản ánh của các địa phương và chúng tôi thấy cũng hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, cùng trong môi trường như thế nhưng nhiều địa phương làm rất tốt, có nơi lại làm chưa tốt, nên phải suy nghĩ xem cách làm thế nào”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc nên đặt trung tâm hành chính công của các địa phương trực thuộc cơ quan nào, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết có những địa phương đã thí điểm đặt tại UBND tỉnh và cho kết quả rất tốt.

Do đó, sắp tới, khi xây dựng quy định mới về các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, Văn phòng Chính phủ sẽ bảo vệ phương án đặt trung tâm trên trực thuộc UBND, thay vì trực thuộc Văn phòng UBND. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, trung tâm này cũng trực thuộc UBND, mà phải đáp ứng một số tiêu chí, ví dụ như ở cấp tỉnh phải có 60% số hồ sơ thủ tục hành chính được làm trực tuyến ở cấp độ 3, 4, ở cấp huyện là 80%.

Tổ trưởng Tổ công tác cho biết các ý kiến tại cuộc làm việc sẽ được tiếp thu, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp tới.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/can-lay-y-kien-nguoi-dan-ve-dich-vu-cong-tren-chinh-quyen-dien-tu-20190829162830310.htm