Cần lấy ý kiến của nhân dân về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chiều 12-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt vẫn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu.

Làm thêm giờ phải tăng tiền lương theo lũy tiến

Thảo luận về dự án luật, các đại biểu nhấn mạnh tới tính cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành. Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này cần cân nhắc thận trọng, thấu đáo. Bộ luật Lao động lần này được sửa đổi toàn diện, với nhiều vấn đề mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng; bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ngoài ra còn đáp ứng yêu cầu rất quan trọng trong hội nhập quốc tế, đáp ứng với tình hình mới cả về kinh tế-chính trị và xã hội.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu là đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh giờ làm thêm là vấn đề ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (NLĐ). Do đó, điều chỉnh tăng giờ làm thêm cần cân nhắc kỹ để đem lại quyền, lợi ích cho NLĐ song vẫn hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, chính sách đưa ra làm sao phải cải thiện thu nhập cho NLĐ mà họ vẫn có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Có cùng cách nhìn nhận, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, làm thêm giờ là nhu cầu có thực của cả người sử dụng lao động và NLĐ, nhất là trong các doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động, như may mặc, giày da... Trong đó, có nguyên nhân tiền lương còn thấp dẫn đến tình trạng NLĐ phải làm thêm giờ để bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, đại biểu đề nghị, việc tăng giờ làm thêm phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được trả theo lũy tiến-càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao. Quy định này phù hợp, đáp ứng nhu cầu hai bên, ngoài ra còn tránh tình trạng DN sử dụng lao động làm thêm quá nhiều và NLĐ cũng không phải vắt kiệt sức lao động để làm thêm cho đủ sống như hiện nay.

 Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) tham gia ý kiến xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) tham gia ý kiến xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.

Tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với từng nhóm ngành nghề

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tại dự thảo, Chính phủ trình hai phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện tại được quy định cách đây rất lâu, đến nay các điều kiện về kinh tế-xã hội, điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ trung bình, yêu cầu phát triển đất nước thay đổi rất nhiều nên việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người làm việc trong điều kiện bình thương là cần thiết. Đối với NLĐ, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội và sẽ tăng lương hưu đối với lao động. Song, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, việc tăng tuổi nghỉ hưu không được cào bằng và phải có lộ trình. Bởi thực tế môi trường lao động của mỗi người khác nhau, nhất là đối với nhóm đối tượng lao động trực tiếp thì phải tính toán để họ được nghỉ hưu sớm.

Ủng hộ quy định về quyền được nghỉ hưu sớm đối với một số nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung căn cứ khoa học, thực tiễn về lao động thuộc ngành nghề nào cần được nghỉ hưu sớm và sớm hơn bao nhiêu lâu. Đại biểu cũng lưu ý việc điều chỉnh tuổi hưu cần tính toán bảo đảm đồng bộ với các chính sách khác về lao động, an sinh xã hội; cùng với đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Cùng đề xuất yêu cầu cần tính toán thật kỹ lưỡng việc tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Trương Phi Hùng (đoàn Long An) đề nghị, Chính phủ cần đánh giá việc tăng tuổi hưu có làm giảm cơ hội tiếp cận việc làm của lao động trẻ.

Nêu rõ trong hệ thống pháp luật lao động của nước ta, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực khá rộng, tác động tới tất cả các thành phần kinh tế, mọi DN, các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và NLĐ, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) đề xuất, ban soạn thảo cần làm tốt công tác lấy ý kiến nhân dân để có thêm cơ sở sửa đổi phù hợp, bởi chỉ khi tạo ra sự đồng thuận xã hội, chính sách mới có hiệu quả trong thực tiễn.

Chính phủ rút nội dung bổ sung ngày 27-7 vào quy định nghỉ lễ, tết

Sau phần phát biểu và tranh luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có báo cáo, giải trình thêm các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Về khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, Bộ trưởng cho biết, đây là nhu cầu có thực của DN và một bộ phận NLĐ. Chính phủ đề xuất, việc tăng giờ làm thêm mức tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm chỉ áp dụng cho một số rất ít ngành nghề, vào thời điểm nhất định. Không áp dụng tăng giờ làm thêm khu vực công. Việc tăng giờ làm thêm dựa trên nguyên tắc vừa bảo đảm quyền lợi của NLĐ vừa bảo đảm DN phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh 97% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ.

Về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là xu hướng tất yếu, cũng là yêu cầu thực sự cần thiết của Việt Nam hiện nay. Từ năm 2014, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ "dân số vàng" sang giai đoạn đang già. Hiện chúng ta chỉ còn 400.000 lao động tăng thêm hằng năm, tiến tới chắc chắn thiếu lao động. So với quốc tế, Việt Nam là một trong 8 nước đứng đầu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trong quá trình xử lý điều chỉnh tuổi hưu cũng đã tính toán phân loại đối tượng theo các nhóm, trong đó có 3 nhóm chính, gồm: Nhóm trong điều kiện lao động bình thường; nhóm ngành nghề, lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 sẽ có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật và nhóm nghỉ hưu muộn hơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, trong dự thảo luật, Chính phủ đã nêu rõ tính nhân văn của quy định đưa ngày 27-7 thành ngày nghỉ lễ chính thức. Tuy nhiên, trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong đó phần lớn là không đồng tình, Chính phủ đã chính thức xin rút nội dung này khỏi dự thảo.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/can-lay-y-kien-cua-nhan-dan-ve-du-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi-576495