Cần làm rõ Vinasun kiện Grab để đòi bồi thường dựa trên cơ sở nào?

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, vấn đề pháp lý mấu chốt là cần có câu trả lời thỏa đáng việc Vinasun kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa ra quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKS TP.HCM trong vụ án Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab). Theo đó, VKS Cấp cao đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Trao đổi về vấn đề này với PV Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM cho biết, việc kháng nghị này là đúng theo quy định của pháp luật.

“Về thẩm quyền thì căn cứ Điều 278, 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trong thời hạn 15 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, việc kháng nghị này là đúng theo quy định của pháp luật”, Luật sư Bình nêu ý kiến.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Luật sư Bình cho biết, ông cũng theo dõi vụ kiện này qua kênh thông tin đại chúng và nắm bắt những thông tin về vụ việc qua kênh báo chí nên không có điều kiện để xem xét một cách đầy đủ các chứng cứ mà các bên đương sự đã xuất trình ở tòa án để bảo vệ cho lập luận của họ. Do vậy, nếu đánh giá việc tòa án xét xử là đúng hay không đúng là rất khó và không khách quan.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ đánh giá về cách vận dụng các quy định của pháp luật hay bình luận về bản chất vụ việc dưới góc nhìn của một người áp dụng pháp luật để giải quyết các tình huống pháp lý, luật sư Bình cho rằng, vụ án còn nhiều vấn đề tranh cãi mà phán quyết của tòa án chưa giải tỏa được những vấn đề mà dư luận quan tâm.

“Vấn đề pháp lý mấu chốt trong vụ án này mà người dân nói chung và giới chuyên gia nói riêng cần có câu trả lời thỏa đáng đó là việc Vinasun kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên cơ sở pháp lý nào?”, Luật sư Bình đặt câu hỏi.

Luật sư Diệp Năng Bình dẫn giải Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 và cho biết, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đó là khi người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại, hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.

Ngày 7/1/2016, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định số 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng", viết tắt là đề án 24.

Báo cáo ngày 29/12/2017 của Bộ GTVT về việc tổng kết 2 năm thực hiện đề án 24 đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động theo quy định tại quyết định số 24.

Sau đó, Phó Thủ tướng đã đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.

“Grab là đơn vị vận chuyển hành khách có thẩm quyền của Nhà nước cho phép dựa theo Đề án 24 của Bộ GTVT; hoạt động kinh doanh của Grab không vi phạm pháp luật. Do đó, theo tôi bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86 là không có cơ sở”, Luật sư Bình nhận định.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, bản án sơ thẩm cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật và là lý do làm cho các xe taxi của Vinasun nằm bãi và không hoạt động gây thiệt hại cho Vinasun 4,8 tỷ đồng mà không xem xét đến các yếu tố khác là không có căn cứ pháp luật.

“Chúng ta có thể thấy hoạt động của Grab và Vinasun chính là vận chuyển hành khách, đối tượng phục vụ là hành khách do đó doanh thu sụt giảm của Vinasun (nếu có) có phần là do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì sự ưu thế của nó so với Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác”, Luật sư Bình nêu ý kiến và bày tỏ đồng tình với nhận xét của VKS khi cho rằng: “Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng..., nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật".

Mặt khác, các vấn đề như việc các tài xế của Grab bị xử phạt vi phạm hành chính như không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo quy định, không có phù hiệu theo quy định, không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị, vi phạm an toàn giao thông, cũng như hạn chế tồn tại của Grab trong quá trình hoạt động tại Việt Nam nếu có không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho Vinasun.

Nếu có vấn đề gì xảy ra thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải với Vinasun. Do Grab không có lỗi nên không có cơ sở để buộc Grab phải chịu trách nhiệm trước Vinasun trước đề án thí điểm.

“Việc Tòa án xử buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun, dù số tiền là bao nhiêu, cũng là quyết định không phù hợp. Bản án này chưa có hiệu lực vì đã bị kháng cáo, nhưng nếu sau này mà cấp phúc thẩm y án thì đó là một tiền lệ nguy hiểm. Điều quan trọng, nếu đó là một án lệ đúng thì việc đồng loạt các hãng taxi truyền thống có thể sử dụng làm căn cứ để kiện Grab. Những, khi cơ sở pháp lý còn thiếu thuyết phục thì rõ ràng, bản án này làm xấu đi môi trường kinh doanh của nước ta”, Luật sư Bình nêu ý kiến.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/can-lam-ro-vinasun-kien-grab-de-doi-boi-thuong-dua-tren-co-so-nao-1184852.html