Cần làm rõ sự thiếu minh bạch trong cung cấp nước sạch cho người dân

Mặc dù tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lấy nguồn nước thô từ sông Lam (được đánh giá sạch hơn) thay cho nguồn nước lấy từ sông Ðào để sản xuất nước sạch và đã được người tiêu dùng chấp nhận, tuy nhiên, Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn làm trái quy định, bơm nước thô sông Ðào để bán cho người dân TP Vinh và vùng phụ cận. Người dân lo lắng, bức xúc và đặt câu hỏi tại sao vẫn để xảy ra tình trạng này?

Trạm bơm Cầu Miệu, bơm nước thô từ sông Ðào cung cấp cho Nhà máy nước sạch Hưng Vĩnh.

Trạm bơm Cầu Miệu, bơm nước thô từ sông Ðào cung cấp cho Nhà máy nước sạch Hưng Vĩnh.

Mặc dù tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lấy nguồn nước thô từ sông Lam (được đánh giá sạch hơn) thay cho nguồn nước lấy từ sông Ðào để sản xuất nước sạch và đã được người tiêu dùng chấp nhận, tuy nhiên, Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn làm trái quy định, bơm nước thô sông Ðào để bán cho người dân TP Vinh và vùng phụ cận. Người dân lo lắng, bức xúc và đặt câu hỏi tại sao vẫn để xảy ra tình trạng này?

Nguồn nước thô của sông Lam bảo đảm hơn

Trước năm 2014, Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An, tiền thân của Công ty CP Cấp nước Nghệ An sử dụng nguồn nước thô lấy từ sông Ðào với giá 900 đồng/m3 để cấp cho các nhà máy nước Cầu Bạch và Hưng Vĩnh bán nước sạch cho người dân ở TP Vinh và vùng phụ cận. Nguồn nước từ sông Ðào bắt nguồn từ công trình thủy lợi Bara Nam Ðàn, sau khi chảy qua hơn 10 km đến trạm bơm của các nhà máy nước nêu trên. Hai bên bờ đoạn sông này đều có các khu dân cư, nhà máy, trang trại và nhiều héc-ta đất nông nghiệp, dẫn đến nguồn nước bị tác động không nhỏ từ các tạp chất liên quan đến nước thải, chất thải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì vậy, năm 2014, tỉnh Nghệ An kêu gọi đầu tư nhà máy nước thô lấy trực tiếp từ sông Lam thay thế nguồn nước sông Ðào.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An (Công ty CNNA) đã ký hợp đồng với Công ty CP Ðầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Công ty Tuấn Lộc) ở TP Hồ Chí Minh đầu tư Dự án bơm nước trực tiếp từ sông Lam cung cấp nước thô cho các nhà máy xử lý nước sạch nêu trên. Ðược UBND tỉnh Nghệ An chấp nhận chủ trương đầu tư, ngày 4-2-2015, hai công ty đã chính thức ký Hợp đồng số 04-2015/HÐ-MBNT mua bán nước thô với lộ trình mua nước thô từ năm 2016 đến năm 2030 và những năm tiếp theo cũng như giá mua nước thô liên quan, trong đó, giá khởi điểm là 1.950 đồng/m3… Công ty Tuấn Lộc đã thành lập doanh nghiệp con là Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam (Công ty CNSL) để thực hiện đầu tư dự án cấp nước thô công suất 200 nghìn m3/ngày đêm (NÐ) cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch như cam kết một cách quyết liệt.

Sau khi sử dụng hoàn toàn nước thô bơm trực tiếp từ sông Lam thay thế nguồn nước thô từ sông Ðào người dân tiêu thụ nước ở TP Vinh và vùng phụ cận khá yên tâm vì nguồn nước thô đầu vào bảo đảm sạch hơn so với nguồn nước lấy từ sông Ðào trước đây. Thời gian này, Công ty CNNA đã hai lần tăng giá nước sạch bình quân từ 7.200 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 (năm 2016) và đến năm 2018, tăng lên 10.800 đồng/m3, cho dù giá nước thô chưa tăng như theo cam kết để bù đắp các chi phí, trong đó có việc thất thoát nước sạch lên đến 33%... Song người dân TP Vinh và vùng phụ cận vẫn chấp nhận.

Phớt lờ chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh

Ðể đôn đốc thực hiện nghiêm việc sử dụng nguồn nước thô bơm trực tiếp từ sông Lam bảo đảm môi trường, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều công văn đề nghị Công ty CNNA ngừng hoàn toàn việc bơm nước thô từ sông Ðào bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh mà sử dụng toàn bộ nước thô do Công ty CNSL cung cấp. Ðồng thời, yêu cầu Công ty CNNA phải tháo, cắt điện vận hành các trạm bơm liên quan để người dân tiêu thụ nước sạch trên địa bàn yên tâm sử dụng nước theo đúng cam kết, cũng như ký hợp đồng mua bán nước với Công ty CNSL để đơn vị cấp nước thô cung cấp toàn bộ lượng nước thô cho hai nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch bảo đảm sản xuất nước sạch ổn định…

Giám đốc Công ty CNSL Nguyễn Thế Tiến cho biết: Sau khi hai đơn vị ký Hợp đồng số 04-2015/HÐ-MBNT mua bán nước thô, Công ty Tuấn Lộc đã bỏ ra 496 tỷ đồng để đầu tư Dự án cấp nước thô bơm trực tiếp từ sông Lam (gồm trạm bơm, tuyến đường ống) cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch của Công ty CNNA với công suất 200 nghìn m3/NÐ. Từ năm 2016 đến 2018, doanh nghiệp đã cung cấp ổn định, bình quân hơn 85 nghìn m3/NÐ theo đúng yêu cầu của Công ty CNNA. Tuy nhiên, sau khi công ty CNNA tiến hành cổ phần hóa, vốn nhà nước chỉ còn hơn 38% thì việc mua bán nước thô giữa Công ty CNSL và Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An (CPCNNA) không được suôn sẻ như hợp đồng đã ký kết. Từ đầu năm 2019, Công ty CPCNNA đã cắt giảm dần sản lượng nhập nước thô của Công ty CNSL từ 85 nghìn m3/NÐ xuống còn khoảng 65 nghìn m3/NÐ. Ðồng nghĩa với việc bắt đầu từ thời gian này, Công ty CPCNNA đã bơm nước thô từ sông Ðào khoảng 20 nghìn m3/NÐ để bù công suất cho nhà máy nước. Ngày 26-4 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu Công ty CPCNNA thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, “không sử dụng nguồn nước sông Ðào bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt”.

Qua con số bán nước thô từ Công ty CNSL cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty CPCNNA đã không tuân thủ hợp đồng đã ký với hàng chục nghìn hộ dân ở TP Vinh và vùng phụ cận mua nước sạch với giá 10.800 đồng/m3 (trong đó dùng nước thô sông Lam, chứ không phải dùng nước sông Ðào) nhằm bảo đảm môi trường sống, sức khỏe người dân. Mặt khác, phớt lờ các chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thể hiện qua việc Công ty CPCNNA vẫn bơm nước sông Ðào có nhiều chỉ số vượt ngưỡng cho phép để sản xuất nước sạch.

Bên cạnh đó, giá nước thô cũng là vấn đề lưu ý. Mặc dù chưa thẩm định giá trị đầu tư dự án cấp nước thô của Công ty CNSL là 496 tỷ đồng, nhưng UBND tỉnh đã vội chấp nhận giá nước thô đúng bằng giá nước của Công ty Tuấn Lộc và Công ty CNNA tự thỏa thuận trước đó cùng lộ trình tăng giá đến tận năm 2030. Theo lãnh đạo Công ty CPCNNA, mức đầu tư của Công ty CNSL là cao so với thực tế, dẫn đến người dân tỉnh Nghệ An đang phải gánh chịu mức giá nước sạch không đúng thực tế. Hiện nay, Sở Tài chính cùng các ngành liên quan của tỉnh đang đánh giá lại suất đầu tư để đưa ra mức giá nước sạch phù hợp.

Tại kỳ họp thứ 9 HÐND tỉnh Nghệ An khóa 17 vừa qua, các đại biểu và cử tri đã chất vấn về sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát của các ngành liên quan về việc để Công ty CPCNNA bơm nguồn nước thô từ sông Ðào để sản xuất nước sạch bán cho người dân trong một thời gian dài mà chưa có ý kiến tham mưu phù hợp, kịp thời. Bên cạnh việc đề nghị chấm dứt lấy nước thô sông Ðào, đại biểu HÐND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Ðại bức xúc: “Tối đa hóa lợi nhuận, không có nghĩa là bất chấp lợi ích của người dân?!”. Chưa hết, trong lúc người dân đang phải trả tiền giá nước bơm trực tiếp từ sông Lam lên với giá 1.950 đồng/m3, Công ty CPCNNA lại lén sử dụng nước sông Ðào với giá 900 đồng/m3 trong nhiều tháng nay. Nếu sự việc này công luận không lên tiếng, người tiêu dùng phải chịu thiệt kép, vừa phải dùng nước thô đầu vào có nhiều chỉ số vượt ngưỡng cho phép nhưng lại trả tiền với mức giá cao. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, sẽ truy thu đầy đủ số tiền nước thô chênh lệch này để trả cho người tiêu dùng. Tại kỳ họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đã hứa tiếp tục chỉ đạo các ngành làm rõ các vấn đề liên quan nhằm bảo đảm cung cấp nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân TP Vinh, đồng thời, xem xét giá bán hợp lý. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Ðắc Vinh cũng chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An báo cáo tình hình, phương án xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động cấp nước trên địa bàn TP Vinh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Công ty CPCNNA phải sử dụng nguồn nước thô từ sông Lam để sản xuất nước sạch như đã ký kết để người tiêu dùng yên tâm, không hoang mang, lo lắng; kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra nước sạch và sớm công khai minh bạch các chỉ số theo quy định; sau khi các ngành chức năng vào cuộc, nếu nguồn nước sông Ðào không bảo đảm điều kiện để sản xuất nước sạch, UBND tỉnh Nghệ An cần đình chỉ hiệu lực của giấy phép đã cấp trước đó cho Công ty CNNA mà nay là Công ty CPCNNA... Ðó là những điều người tiêu dùng TP Vinh và vùng lân cận mong muốn và đề nghị tỉnh Nghệ An cùng các ngành liên quan sớm vào cuộc.

Theo số liệu quan trắc của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay, tại một số điểm của sông Ðào, nhiều chỉ số không đạt, vượt quy chuẩn như: E.Coli vượt 3,6 lần; Amoni, COD đều vượt gần hai lần, DO, TSS đều vượt hơn 1,7 lần…

Bài và ảnh: THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41044902-can-lam-ro-su-thieu-minh-bach-trong-cung-cap-nuoc-sach-cho-nguoi-dan.html