CẦN LÀM RÕ ĐỐI TƯỢNG BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY BẮT BUỘC

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 51, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần làm rõ đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thực hiện Phiên họp thứ 51, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần làm rõ đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đề cập một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Về cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 30), có ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tại điểm a và điểm b không cần quy định “biện pháp điều trị nghiện bằng thuốc thay thế”, bởi vì đây chỉ là cách thức điều trị đối với người nghiện chất ma túy dạng thuốc phiện và được thực hiện với cả hình thức cai nghiện tự nguyện cũng như bắt buộc. Có ý kiến cho rằng, quy định tại điểm c và điểm d là chưa phù hợp do chưa bảo đảm nguyên tắc chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy, cần xác định tình trạng nghiện đối với các trường hợp này trước khi áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc đối với họ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận thấy: Quy định về các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo Luật đã bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề xuất chỉnh lý quy định về cai nghiện bắt buộc theo hướng bảo đảm nguyên tắc: chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy; ưu tiên cai nghiện ma túy tự nguyện và biện pháp điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đã từng cai nghiện ma túy (bắt buộc hoặc tự nguyện) mà tái nghiện. Khoản 1 quy định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người nghiện ma túy không thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện;

b) Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

c) Trong thời hạn cai nghiện tự nguyện bị phát hiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

d) Trong thời gian điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế vi phạm bị chấm dứt điều trị theo quy định của Chính phủ và tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy;

đ) Trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện;

e) Người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng: Cầm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống ma túy với hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục, hiệu quả của người nghiện ma túy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định về việc bảo đảm người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế không bị lập hồ sơ, đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc; đồng thời bảo đảm người nghiện ma túy được tiếp tục điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trong cơ sở giam giữ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đóng góp ý kiến.

Liên quan đến Điều 30 về đối tượng bị xử lý hành chính và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần rà soát thêm điểm e khoản 1 về người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Hiện nội dung được trích dẫn từ báo cáo giải trình, tiếp thu và dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chưa thống nhất. Trong dự thảo Luật không có điểm e khoản 1, còn trong báo cáo giải trình lại có. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội báo cáo thêm vì sao lại có sự khác nhau như vậy. Nếu trong dự thảo luật có điểm e khoản 1 lại mâu thuẫn với điểm a, b của khoản 1 là người nghiện ma túy không thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện và người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nếu có điểm e như trong báo cáo thì cũng phải cân nhắc, bởi vì sẽ có phần nào đấy mâu thuẫn với điểm a, điểm b của chính khoản này. Bởi vì, điểm e thì nói là người nghiện (tức là đối tượng bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) là người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, đây là kế thừa quy định của luật hiện hành. Nhưng khi chúng ta đã bổ sung, làm rõ các đối tượng bị áp dụng biện pháp này trong Luật Phòng, chống ma túy, nếu quy định như này sẽ có phần mâu thuẫn với điểm a, điểm b. Điểm a quy định là người nghiện ma túy mà không thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện thì áp dụng biện pháp này. Vậy người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, nếu họ thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc ngoài công lập thì họ có bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không? Như vậy, sẽ có một phần mâu thuẫn giữa điểm a, điểm b và điểm e, cho nên nếu có điểm e thì cũng phải xử lý để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với điểm a, điểm b.

Về hiệu lực thi hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến là nên áp dụng từ ngày 01/01/2022 để thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vì hai luật này có những nội dung liên quan đến nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Trong Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Với không khí thảo luận rất sôi nổi, cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất việc sửa đổi Luật này với 8 chương 56 điều. Cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ đều nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình do đồng chí Thúy Anh trình bày. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, các thành viên có cân nhắc thêm và đề nghị chú ý thêm đối với các cơ quan, các đồng chí chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Thứ nhất, đối với trẻ em từ 12 tuổi đến 18 tuổi đi cai nghiện tập trung thì cần có một điều riêng. Cần chỉnh lý thống nhất với các luật khác, bảo đảm quyền lợi tốt nhất, lợi ích tốt nhất cho các em, dù đi cai nghiện nhưng quyền con người, quyền trẻ em mà chúng ta đã cam kết trong Công ước quốc tế.

Về thủ tục, có thể trong phần nghị định và hướng dẫn thi hành phải đề cập rõ thêm về thời gian, thời hiệu, đặc biệt thủ tục cũng phải nhanh gọn trước khi đưa ra Tòa án quyết định. Tòa án quyết định cũng phải nhanh gọn, không để thủ tục tố tụng rườm rà quá mức, đúng luật pháp nhưng phải nhanh, đảm bảo tính kịp thời. Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý kiến nên đề nghị có thể trong giải trình tới đây trước Quốc hội nói thêm vấn đề này để tăng sức thuyết phục.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Thứ hai làvề trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan liên quan đến việc chủ trì và phối hợp thì các thành viên đề cập trong Phiên họp là rõ. Cho nên, trong việc hướng dẫn thi hành luật này, đề nghị là văn bản dưới luật ghi rõ, các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhưng sau đó phải chuyển sang cơ quan điều tra phòng, chống ma túy của Bộ Công an hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử được. Đề nghị là làm đúng quy định, trách nghiệm và cơ quan phối hợp phải thông báo liên tục. Đây cũng là một trong những nội dung chúng ta cam kết trong Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Thứ ba là về thời gian đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện thì ghi rõ trong các quyết định của Tòa án nhưng trách nhiệm của gia đình, xã hội, cơ quan, tổ chức cai nghiện thì cần phải rõ hơn trong hướng dẫn thi hành.

Thứ tư là về hiệu lực thi hành, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất là từ ngày 01/01/2022 có hiệu lực là phù hợp. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm trong quá trình tổ chức thực hiện Luật này và để đảm bảo sự thống nhất giữa luật này với các luật khác thì cần tiếp tục rà soát.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát, thẩm tra lại dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có thể thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50834