Cần làm rõ dấu hiệu bất thường trong vụ truy tố nguyên cán bộ Cục thuế Bình Định

Biên bản phiên tòa sơ thẩm đã bị luật sư Vũ Mạnh Hùng cho rằng ghi không khách quan, không đầy đủ và không đúng thực tế diễn ra tại phiên tòa.

Trước đó vào ngày 20/4/2018, TAND tỉnh Bình Định đã xét xử sơ thẩm vụ Hồ Minh Khiêm – nguyên Trưởng phòng Thanh tra Cục Thuế tỉnh Bình Định phạm tội nhận hối lộ. Sau đó, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì chưa đủ căn cứ để buộc tội bị cáo.

Nhận hối lộ hay bị gài bẫy

Theo cáo trạng của VKS và Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định cho biết, ngày 01/9/2017, Cục Thuế tỉnh Bình Định ban hành quyết định thanh tra thuế tại Công ty CP Xây dựng An Nghĩa (Cty An Nghĩa – tại TP Quy Nhơn) trong thời gian 30 ngày. Trong đó, ông Khiêm làm Trưởng đoàn cùng ba thành viên khác. Tuy nhiên, trong thời gian thanh tra, ông Khiêm đang học lớp bồi dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên Huế nên ủy quyền cho Phó đoàn thanh tra là bà Trần Thị Thu Hà phụ trách.

Luật sư Vũ Mạnh Hùng cho rằng Biên bản phiên tòa sơ thẩm ghi không khách quan nên đã kiến nghị.

Sau đó, từ ngày 19-21/9/2017), đoàn thanh tra đã hoàn thành xong công việc.

Sáng ngày 24/9/2017, sau khi ông Khiêm kết thúc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Huế đã gọi điện cho ông Đỗ Nguyễn Duy Minh – Phó Giám đốc Cty An Nghĩa để đăng ký làm việc.

Theo cáo trạng, chiều cùng ngày, ông Khiêm cùng một thành viên khác của đoàn thanh tra là Nguyễn Hoàng Tú đến Cty An Nghĩa gặp ông Minh, bà Đặng Mậu Mỹ Chi (vợ ông Minh) và ông Phan Ngọc Anh – Kế toán trưởng Cty để đối chiếu và xác nhận số liệu thanh tra.

Cũng theo cáo trạng, tại buổi làm việc, ông Khiêm đã đưa ra bảng liệt kê các lỗi vi phạm mà đoàn thanh tra phát hiện và cảnh báo nếu kiểm tra thực tế thì công ty sẽ bị phạt và truy thu thuế với số tiền lên đến 1,387 tỷ đồng. Nghe vậy, ông Minh nhờ ông Khiêm giúp đỡ.

Sau đó, ông Khiêm đồng ý bỏ qua những sai phạm lớn và chỉ xử phạt một số lỗi nhỏ với mức phạt khoảng 70 triệu đồng. Đổi lại, ông Khiêm yêu cầu ông Minh chi 120 đến 130 triệu đồng cho mình và 20 đến 30 triệu đồng cho Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.

Cũng theo cáo trạng, số tiền sau đó được hai bên thống nhất xuống còn 130 triệu đồng (gồm 110 triệu đồng cho ông Khiêm và 20 triệu đồng cho Cục trưởng Cục Thuế tỉnh).

Đến ngày 29/9/2017, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định ký Kết luận thanh tra số 1716/KL-CT và ban hành Quyết định số 1542/QĐ-CT về việc xử lý vi phạm về thuế đối với Cty An Nghĩa số tiền 69.763.109 đồng.

Tiếp đó, vào khoảng 14h ngày 01/10/2017, ông Minh đã hẹn ông Khiêm ra uống nước tại quán cà phê Hội Quán (số 02 Phan Đình Phùng, TP Quy Nhơn) và đưa số tiền 130 triệu đồng (được bọc trong hai bọc nhựa nilon) cho ông Khiêm. Trong đó, một bọc nhựa màu đen bên trong có 110 triệu đồng do ông Khiêm mở túi xách tay của mình để ông Minh bỏ vào và bọc nhựa màu nâu chứa 20 triệu đồng do ông Minh đưa cho ông Khiêm trực tiếp bỏ vào túi xách. Ngay sau đó, lực lượng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định ập vào và bắt quả tang.

Nhiều dấu hiệu bất thường

Ngày 6/10/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã có Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Hồ Minh Khiêm về tội nhận hối lộ.

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, Khiêm liên tục kêu oan, cho rằng mình bị gài bẫy và khẳng định không có hành vi đòi Cty An Nghĩa hối lộ số tiền trên.

Trong khi đó, đại diện Cty An Nghĩa khẳng định ông Khiêm có yêu cầu đưa 130 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm hàng tồn kho. Tuy nhiên theo hồ sơ, đó chỉ là lời khai một phía và Cty An Nghĩa không đưa ra được chứng cứ chứng minh có việc ông Khiêm khi đến làm việc có đưa ra tờ giấy A4 được đánh máy sẵn, trong đó liệt kê những sai phạm của Cty này có thể bị phạt đến 1,387 tỷ đồng. Đây là cơ sở để ông Khiêm gây áp lực cho Cty An Nghĩa chi tiền để bỏ qua các lỗi vi phạm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nhiều tình tiết vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong khi đó, Biên bản phiên tòa đã bị luật sư Vũ Mạnh Hùng – Công ty Luật hợp danh Dân Trí Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), là người bào chữa cho bị cáo Khiêm chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường như: Biên bản phiên tòa ghi không khách quan, không đầy đủ và không đúng thực tế diễn biến tại phiên tòa, làm cho người đọc có thể hiểu không đúng và đánh giá sai bản chất sự việc.

Luật sư Hùng chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường trong Biên bản phiên tòa sơ thẩm.

Cụ thể, theo luật sư Hùng, Biên bản phiên tòa ghi không chính xác câu hỏi và câu trả lời của những người tham gia tố tụng; có câu hỏi và câu trả lời quan trọng không được ghi vào biên bản; không ghi nhận đầy đủ, trung thực những quan điểm bào chữa của người bào chữa.

Đáng chú ý, tại phiên tòa này, khi luật sư hỏi ông Tú: Trong buổi làm việc chiều ngày 24/9/2017, tại Cty An Nghĩa ông Nguyễn Hoàng Tú có thấy ông Khiêm lấy một tờ giấy khổ A4 trong đó kê khai các khoản thuế phải nộp đến 1,387 tỷ đồng không? Ông Tú trả lời: “Tôi không thấy” nhưng trong Biên bản phiên tòa lại ghi: “Thưa tôi có thấy ông Khiêm lấy một tờ A4 trong đó kê khai các khoản thuế phải nộp lên đến 1,3 tỷ”.

Nội dung lời khai bị phát hiện có thay đổi trong Biên bản phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài ra, luật sư Hùng cũng chỉ ra, tại bút lục số 199 (BL199), trong đơn trình bày ngày 01/10/2017, ông Minh cho biết: “Khoảng 2 ngày sau đó (tức sau buổi làm việc chiều 24/9/2017), ông Khiêm điện thoại thúc ép tôi đưa tiền trước khi ông ấy ra quyết định”; trong biên bản điều tra viên hỏi cung lập ngày 12/01/2018 (BL204), ông Minh khai: “Đến sáng 25/9/2017, ông Khiêm đã gọi điện thoại cho tôi để nhắc ký và đóng dấu biên bản gửi lại cho Đoàn thanh tra và đồng thời nhắc tôi lo khoản tiền cho ông ta…”.

Theo luật sư Vũ Mạnh Hùng, bản cáo trạng và bản luận tội của VKSND tỉnh Bình Định chỉ căn cứ vào lời khai duy nhất từ một phía mà không đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, không áp dụng biện pháp hợp pháp để tìm hiểu và xác định sự thật khách quan của vụ án, không điều tra đầy đủ và toàn diện. Mặc nhiên thừa nhận chứng cứ có tội mà không làm rõ những chứng cứ xác định vô tội và lấy đó làm căn cứ buộc tội là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án, được quy định tại Điều 13 và Điều 15 Bộ luật TTHS.

Thế nhưng, đối chiếu vào nhật ký các cuộc gọi đi từ số điện thoại của ông Khiêm thì vào các ngày nói trên không hề có cuộc điện thoại nào từ số máy ông Khiêm gọi đến số máy ông Minh. Trái lại, ông Minh lại là người chủ động thực hiện 2 cuộc gọi liền nhau vào trưa ngày 01/10/2017 (chỉ cách nhau khoảng 1 giờ đồng hồ) để mời bằng được ông Khiêm ra Hội quán uống nước.

Về hành vi nhận 2 gói quà có bọc số tiền 130 triệu, bị cáo Khiêm khai nhận khi bỏ bọc màu đen (chứa 110 triệu) vào túi xách, ông Minh bảo gửi gói kẹo cho cháu; còn bọc màu nâu (chứa 20 triệu), ông Minh bảo gửi phong bánh cho cháu. Trong khi đó, trả lời trước HĐXX, ông Minh khẳng định khi gửi hai bọc nhựa cho ông Khiêm, ông có nói rõ đó là gửi tiền.

Sau khi nghị án, Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX đã tuyên bố hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ngọc Long - Bạt Phong

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/can-lam-ro-dau-hieu-bat-thuong-trong-vu-truy-to-nguyen-can-bo-cuc-thue-binh-dinh-d74493.html