Cần lắm những cái 'bắt tay'

Hầu hết các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới hiện đã đặt nhà máy tại Việt Nam, mở ra cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu không có sự hợp tác, liên kết với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước sẽ khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nghiệp hỗ trợ:

Hiện đã có 29 DN là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung.

Hiện đã có 29 DN là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung.

Hiệu quả từ liên kết

Dù chỉ là một doanh nghiệp (DN) còn non trẻ nhưng kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ năm 2015, khi bắt đầu thành lập, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã dành một phần đầu tư lớn cho công nghệ nhằm sản xuất ra các sản phẩm chất lượng. Nhờ đó, đến nay, chỉ sau ba năm thành lập, Minh Nguyên đã trở thành nhà sản xuất linh kiện nhựa cung ứng cho nhiều ngành công nghiệp như hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi… Đồng thời, trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung Việt Nam.

Dẫn ra thí dụ cụ thể về hiệu quả của sự liên kết giữa các DN trong nước và DN FDI, Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, năm 2008 - 2018, Samsung có vốn đầu tư vào Việt Nam là 17,363 tỷ USD, có 170 nghìn lao động. Năm 2014, Việt Nam có bốn doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 của Samsung. Đến nay, Samsung đã có hơn 200 DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là DN Việt Nam, trong đó có 29 nhà cung ứng (vender) cấp 1, dự kiến năm 2020 có 50 vender cấp 1. Để có được số lượng nhà cung ứng này, Samsung đã liên tục triển khai chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam, thông qua việc cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho DN Việt Nam.

“Nhờ đó, chỉ trong ba tháng, Công ty Golsun có tỷ lệ hàng tồn kho giảm 60%, tỷ lệ lỗi thiết bị giảm 72%, trong khi tỷ lệ sản xuất chính xác tăng từ 0% lên 94%; Công ty Mida hiệu suất tổng hợp thiết bị tăng 26%, năng suất vận hành thiết bị tăng 59%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 52%, tỷ lệ hàng tồn kho giảm 54%”, GS Nguyễn Mại nói và khẳng định, các DN FDI kết nối với DN Việt Nam, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị DN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó ngày càng có nhiều DN Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia.

Tại một hội nghị về công nghiệp hỗ trợ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện, đáp ứng một bước tiến trình nội địa hóa của các ngành sản xuất, cụ thể là 40-45% cho ngành dệt may, da giầy, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô-tô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy giữa các DN trong nước với các công ty xuyên quốc gia (TNCs) đang kinh doanh tại Việt Nam, Nhà nước cần nhiều hơn các chính sách khuyến khích mối liên kết này.

Gắn kết doanh nghiệp

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án USAID Link SMS cho rằng, rào cản của các DN Việt Nam là dù đã nỗ lực phát triển về quy mô nhưng phần lớn vẫn mang quy mô nhỏ và vừa, năng suất hạn chế, công nghệ, kinh nghiệm, nhân lực, quản lý yếu. Để kết nối hiệu quả với chuỗi giá trị toàn cầu, các DN phải phân tích năng lực của chính mình để biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì, người mua cần gì, khả năng đáp ứng của mình đến đâu… Bên cạnh đó, cần ưu tiên các việc cần làm và tập trung các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ, tăng cường sự kết nối này.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), trong thời gian qua, để tăng cường mối liên kết giữa DN FDI và các DN cung ứng trong nước, tăng số lượng DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Công thương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các DN FDI để thúc đẩy, triển khai các đề án hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng. Trong đó, nổi bật là hai lĩnh vực điện tử và sản xuất, lắp ráp ô tô.

Cụ thể, trong lĩnh vực điện tử, Bộ Công thương đã phối hợp Samsung trong việc tìm kiếm các DN CNHT của Việt Nam có đủ trình độ để tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Đặc biệt, Bộ Công thương đang hợp tác với Samsung trong Chương trình hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các DN cung ứng trong ngành CNHT của Việt Nam. Tương tự, trong lĩnh vực ô tô, hằng năm, Bộ Công thương đều thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực của các DN CNHT và hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Từ 2014, Bộ Công thương đã xuất bản cuốn niên giám thường niên về CNHT các ngành chế tạo Việt Nam.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, không có cách nào khác đối với ngành CNHT hiện nay đó là bắt buộc phải liên kết với các DN FDI – khu vực đang đóng góp 65% xuất khẩu cho Việt Nam, để học cách thiết kế, chế tạo, tiếp thu công nghệ nguồn… Do đó, hiệp hội sẽ tăng cường phối hợp UNBD TP Hà Nội, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương để đưa DN CNHT đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc - nơi có nền CNHT phát triển mạnh để kêu gọi đầu tư, kinh doanh, liên kết cùng các DN Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các DN CNHT vay vốn đầu tư công nghệ, nhà xưởng, đào tạo nhân lực…

Trong thời gian tới, Bộ Công thương và các địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung trong Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/39126702-can-lam-nhung-cai-%E2%80%9Cbat-tay%E2%80%9D.html