Cần lắm 'một khu đất tốt'

'Một khu đất tốt' là tên bộ phim ngắn gây tiếng vang của Phạm Ngọc Lân - gương mặt nổi trội trong làn sóng những nhà làm phim độc lập đang lặng thầm nỗ lực xác lập vị thế của điện ảnh nước nhà trên sân chơi toàn cầu ít năm trở lại đây.

Ròm - bộ phim độc lập đầu tiên bất ngờ trở thành hiện tượng phòng vé.

Ròm - bộ phim độc lập đầu tiên bất ngờ trở thành hiện tượng phòng vé.

“Một khu đất tốt” là tên bộ phim ngắn gây tiếng vang của Phạm Ngọc Lân - gương mặt nổi trội trong làn sóng những nhà làm phim độc lập đang lặng thầm nỗ lực xác lập vị thế của điện ảnh nước nhà trên sân chơi toàn cầu ít năm trở lại đây.

“Một khu đất tốt” cũng chính là nơi mà “những hạt mầm chắc khỏe” - những người trẻ đến với nghiệp làm phim với lòng đam mê là hành trang duy nhất ấy mong chờ được ươm trồng và tạo điều kiện tối đa để phát triển, để mạnh mẽ vươn cao và dâng hiến cho đời những mùa quả ngọt.

Từ hiện tượng phòng vé của Ròm

Thành công thương mại bất ngờ của Ròm, với doanh thu 55 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu đã khiến Trần Thanh Huy trở thành cái tên đạo diễn nóng nhất trên truyền thông những ngày vừa qua. Và con số ấn tượng 750 nghìn khán giả mua vé thưởng thức bộ phim dài đầu tay của anh, cũng sau 10 ngày chính là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Huy, sau tám năm trời kiên gan bền chí theo đuổi một dự án với số phận khá lận đận. Từng giành vị trí quán quân ở hạng mục New Current của Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Busan 2019, lâu lắm rồi mới có một bộ phim nhận được hai luồng phản hồi trái chiều đến thế, khen hết lời và chê cũng hết nấc. Nhưng dù khen hay chê thì những tìm tòi mới mẻ trong ngôn ngữ tạo hình, kể chuyện cùng góc nhìn chênh vênh, nghiêng ngả đầy ám ảnh về những phận đời vật vã mưu sinh dưới đáy xã hội của Trần Thanh Huy nhận được sự đồng thuận cao của cả giới làm nghề lẫn số đông khán giả.

Thật ra, Ròm không phải là bộ phim dài đầu tiên được trình chiếu thương mại và nhận được những phản hồi tích cực tại Việt Nam. Trước Ròm, người xem từng bình chọn Chạm (Touch) của đạo diễn Nguyễn Đức Minh là phim được yêu thích nhất trong khuôn khổ LHPVN 2011. Dành cho tháng Sáu của nhà làm phim “độc lập tới mức đơn độc” Nguyễn Hữu Tuấn, Đường đua của Nguyễn Khắc Huy hay Thưa mẹ con đi của Trịnh Đình Lê Minh cũng từng gây được cơn sốt nho nhỏ cho giới trẻ ngay lần đầu ra mắt. Trước Ròm, tác phẩm của những tên tuổi thuộc thế hệ làm phim độc lập đình đám thời kỳ đầu (như Bi đừng sợ - Cha và con và... của Phan Đăng Di, Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên, Cha cõng con của Lương Đình Dũng, Đảo của dân ngụ cư của Hồng Ánh...) cũng đều đã kiếm tìm cơ hội ra rạp, sau khi chu du và gặt hái khá nhiều giải thưởng tại những LHPQT danh giá hàng đầu thế giới nhưng chỉ thu hút được lượng người xem khá khiêm tốn, với số phòng chiếu cực kỳ hạn chế. Và trước Ròm, cũng chỉ duy nhất Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được đánh giá là phim độc lập hiếm hoi phát hành thành công tại Việt Nam. Vì thế, việc một bộ phim nghệ thuật được trình chiếu thương mại trên toàn bộ hệ thống rạp chiếu và đĩnh đạc cạnh tranh sòng phẳng với những sản phẩm điện ảnh nước ngoài đậm sắc màu giải trí phát hành cùng thời điểm cho thấy một tín hiệu đáng mừng. Liên tiếp thiết lập những kỷ lục phòng vé, Ròm mang lại một tín hiệu vui cho cộng đồng những nhà làm phim độc lập trẻ đang dũng cảm dấn thân vào một hành trình sáng tạo đơn độc và đầy rẫy khó khăn. Thay vì mặc định dòng phim nghệ thuật khó xem khó cảm và khó thuyết phục được số đông, niềm tin khán giả trong nước sẽ không quay lưng, miễn đó là tác phẩm điện ảnh chất lượng được củng cố vững chắc nhờ hiệu ứng lan tỏa của Ròm.

Đã định hình một thế hệ làm phim trẻ tài năng

Vài ba năm trở lại đây, những cái tên lạ lẫm liên tiếp được xướng lên tại các lễ trao giải LHPQT, với những phim ngắn đoạt giải cao nhất và những dự án phim dài giành được nguồn hỗ trợ tài chính quý giá để có thể triển khai. Được phát hiện từ những khóa đào tạo chuyên sâu ngắn hạn rất hiệu quả (như Gặp gỡ mùa thu, Hà Nội mùa xuân, Phim ngắn CJ ) hay trưởng thành từ những sân chơi dành riêng cho phim ngắn (như Tiệc phim trực tuyến YxineFF, giải Ong vàng cho sinh viên, giải Cánh diều cho phim ngắn của Hội Điện ảnh Việt Nam), những người trẻ mê phim đã lặng thầm sáng tạo và nỗ lực đưa những đứa con tinh thần vươn mình ra ngoài biên giới. Có thể nói, thế hệ người làm phim hôm nay đã thuộc về và hòa nhập vào dòng chảy toàn cầu. Tham dự để cọ xát và học hỏi, để sự ghi nhận quý báu từ các sân chơi tầm cỡ giúp họ có cơ hội thực hiện những dự án phim dài trong tương lai.

Năm ngoái, Một khu đất tốt của Phạm Ngọc Lân tranh giải Gấu vàng ở LHPQT Berlin 2019, Hãy tỉnh thức và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân giành giải Illy ở hạng mục Director Fornight thuộc LHPQT Cannes 2019, Ngọt, mặn của Dương Diệu Linh là phim ngắn hay nhất do các nhà phê bình trẻ bầu chọn tại LHPQT Singapore 2019...

Tính từ đầu năm 2020, Mây nhưng không mưa của Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy chính thức dự tranh hạng mục Orizzonti Short Competition tại LHPQT Venice, Thiên đường gọi tên - Dòng sông không nhìn thấy - An act of Affection của Dương Diệu Linh - Phạm Ngọc Lân và Việt Vũ lọt vào danh sách tranh giải ở hạng mục phim ngắn quốc tế dưới 40 phút tại LHPQT Locarno 2020...

“Mây nhưng không mưa” chính thức dự tranh hạng mục Orizzonti Short Competition tại LHPQT Venice 2020.

Từ những tấm danh thiếp ban đầu có giá trị toàn cầu này, Phạm Ngọc Lân có phim dài đầu tay Cu li không bao giờ khóc, Lê Bảo hiện thực hóa kịch bản Vị, Nguyễn Phương Anh giành được khoản đầu tư ban đầu để làm phim Vợ ba, Phạm Phương Thảo có Đi tìm Phong và Trần Thanh Huy sản xuất Ròm...

Nhờ làn gió mát lành này, thị trường điện ảnh trong nước đã có thêm một gam màu lạ. Khi dòng phim Nhà nước đặt hàng gần như biến mất, khi dòng phim giải trí (rom - com, kinh dị, hài nhảm) nhiều năm chiếm vị trí thống lĩnh, những bộ phim tâm huyết, chỉnh chu và đậm đặc dấu ấn cá nhân nghệ sĩ như Thưa mẹ con đi hay Ròm sẽ mang lại một món ăn tinh thần mới mẻ và hấp dẫn. Và khi những nhà làm phim độc lập đã quần tụ và tạo thành một làn sóng mới, việc họ trở thành lực lượng sáng tác chủ chốt của điện ảnh nước nhà trong tương lai gần là hoàn toàn có cơ sở.

Muốn cây khỏe cần đất tốt

Tuy đã manh nha xuất hiện những tín hiệu lạc quan nhưng nhìn một cách công tâm, những thành tựu mà đội ngũ làm phim độc lập trẻ đạt được cho tới thời điểm này chỉ nhờ vào sự năng động, khả năng bươn chải và lòng kiên trì theo đuổi đến cùng giấc mơ của từng cá nhân đơn lẻ, trên hành trình sáng tạo đơn độc. Sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý bằng những cơ chế và chính sách hữu hiệu hiện vẫn chỉ dừng lại ở những dự định trên giấy. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh - “bà đỡ mát tay” cho những dự án phim nghệ thuật - phim tác giả - phim đầu tay vẫn chưa thể ra đời, dù đã mất tới 11 năm bàn thảo và rục rịch triển khai. Được quy định rất rõ về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải thành lập trong điều 6 của Luật Điện ảnh 2006 (được sửa đổi bổ sung năm 2009), bài toán “nguồn vốn ở đâu, thu như thế nào” vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo nên đành tiếp tục trông chờ vào thời điểm Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực năm 2021.

Hình thức gây quỹ hỗ trợ điện ảnh đã manh nha xuất hiện một vài cái tên như Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam (VEF), Quỹ hình ảnh Việt Nam... nhưng hiệu quả hoạt động tới đâu vẫn là một dấu hỏi. Mô hình phòng chiếu Art House dành riêng cho dòng phim nghệ thuật cũng đã được CGV triển khai từ đầu năm 2015 tại một vài cụm rạp lớn nhưng mục tiêu phát triển thành chuỗi không gian dành riêng cho công chúng mê phim độc lập vẫn không mấy khả thi.

Người ta hay nói, “muốn đi nhanh hãy đi một mình nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Lầm lũi cô đơn trên con đường chinh phục sân chơi toàn cầu, các nhà làm phim trẻ đã có những bước tiến khá dài. Nhưng để họ đi xa và nắm tay nhau tạo thành một làn sóng khỏe khoắn đầy ấn tượng thì sự hỗ trợ nhiệt thành và bài bản theo một lộ trình hiệu quả từ lãnh đạo cơ quan quản lý ngành là điều không thể thiếu. Bởi để lưu cái tên Việt Nam vào bản đồ điện ảnh thế giới thì không thể trông chờ vào duy nhất niềm đam mê phim ảnh của từng cá nhân!

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp buồn bã chia sẻ: “Để điện ảnh Việt Nam có thể đi xa, vai trò của những chiến lược phát triển cùng chính sách hỗ trợ vĩ mô mang tầm quốc gia là đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, người trẻ phải đi khắp nơi, gõ mọi cánh cửa để tìm cơ hội làm phim trong khi sự hậu thuẫn từ cơ quan quản lý trong nước chỉ là số không tròn trĩnh. Và câu hỏi thường xuyên nhận được khi trình bày dự án khiến tôi đặc biệt xấu hổ là: tại sao trong kế hoạch tài chính của bạn không hề có một đồng vốn đầu tư nào từ trong nước. Phim độc lập đang bị bỏ rơi và dường như các nhà quản lý chỉ nhớ tới dòng phim này khi cần liệt kê những giải thưởng danh giá mà nó đạt được để làm đẹp các bản báo cáo tổng kết mà thôi”.

Huyền Nga

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vanhoa-nghethuat/can-lam-mot-khu-dat-tot-623931/