Cần làm gì khi trẻ nhỏ nuốt bi nam châm vào bụng?

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, chuyên khoa Nội – Tiêu hóa cảnh báo, chỉ rõ những nguy hiểm khi trẻ nuốt bi nam châm vào bụng và cách xử lý khi trẻ trót nhuốt loại bị nam châm này.

Trên mạng xã hội vừa chia sẻ rầm rộ thông tin một bé trai 10 tuổi ở Bình Dương bị bạn học ép nuốt 9 viên bi nam châm vào bụng.

Vì sợ bạn hành hung nên bé không dám nói với bố mẹ. Mãi đến khi bé bị nôn mửa nhiều, mệt lả, nằm gục ở trường mới được một phụ huynh phát hiện và đưa vào bệnh viện.

Bi nam châm khi vào trong bụng sẽ kết dính với nhau thành khối gây tắc ruột. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, chuyên khoa Nội – Tiêu hóa, Bệnh viện Hồng Ngọc, với trường hợp trẻ nuốt bi nam châm vào bụng nếu không được cấp cứu gắp dị vật ra sớm sẽ gây tắc ruột.

Nam châm có tính chất kết dính, khi vào trong ruột các viên nam châm sẽ kết dính với nhau thành một khối gây tắc ruột, khó chịu, dẫn đến trẻ bị nôn, ói, đau bụng, da tái xanh…

Nếu không được điều trị kịp thời, dị vật không những gây tắc ruột mà còn gây viêm nhiễm, tổn thương đường ruột, thậm chí gây thủng ruột, hoại tử ruột.

Cha mẹ cần cảnh giác khi cho trẻ chơi đồ chơi kim loại, bi nam châm để tránh gây hóc dị vật. Ảnh minh họa

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cảnh giác khi trẻ chơi đồ chơi có nam châm, kim loại. Nếu trẻ lỡ nuốt phải, cần bình tĩnh xác định chính xác dị vật nuốt là gì và đưa ngay tới bệnh viện kiểm tra, xử lý.

Khi trẻ có các dấu hiệu sau khi nuốt dị vật như: nôn ói, ói dây máu, đau bụng, quấy khóc, da xanh tái, lạnh tay chân thì cần cấp cứu ngay.

Các bác sĩ sẽ thăm khám, cho trẻ chụp X-Quang để xác định vị trí dị vật. Tùy từng trường hợp mà có cách xử trí khác nhau. Nếu dị vật nguy hiểm, độc hại, sắc nhọn, có từ tính, năng lượng cần lấy ra càng sớm càng tốt.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/can-lam-gi-khi-tre-nho-nuot-bi-nam-cham-vao-bung-d12963.html