Cần làm gì khi bị rối loạn tăng sắc tố da mặt?

Rối loạn tăng sắc tố da mặt là một tình trạng bệnh lý hay gặp trên lâm sàng. Chẩn đoán bệnh khá phức tạp, do đó điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các rối loạn sắc tố da mặt xuất hiện ở làn da tối màu, đặc biệt là những người có sử dụng chất làm trắng tại chỗ.

Dựa trên vị trí phân bố của sắc tố melanin cũng như màu sắc của tổn thương trên lâm sàng và dưới ánh sáng đèn Wood, người ta chia ra 3 loại tăng sắc tố chính: Tăng sắc tố màu nâu: Do tăng lượng melanin ở lớp tế bào đáy của thượng bì qua 2 cơ chế chính: Tăng sản xuất melanin, số lượng tế bào hắc tố vẫn bình thường. Tăng số lượng tế bào hắc tố. Trên lâm sàng thường gặp các bệnh như rám má thượng bì, lentigines, tàn nhang…

Tăng sắc tố màu xanh: Do tăng lượng melanin ở trung bì qua 3 cơ chế chính: Tăng vận chuyển melanin từ thượng bì xuống trung bì. Tăng sản xuất melanin bởi tế bào hắc tố ở trung bì. Các sắc tố ngoại sinh lắng đọng ở trung bì. Trên lâm sàng thường gặp các bệnh như rám má trung bì, bớt Hori, tăng sắc tố Riehl, Ochronosis ngoại sinh…

Tăng sắc tố hỗn hợp: Mang đặc điểm của 2 loại trên, chủ yếu hay gặp là rám má hỗn hợp.

Nhận biết và điều trị các bệnh

rối loạn tăng sắc tố da mặt

Rối loạn tăng sắc tố thượng bì:

Rám má thượng bì: Tổn thương là dát tăng sắc tố màu nâu, ranh giới rõ, đối xứng 2 bên, hay gặp ở vùng má, trán và cằm. Dưới ánh sáng đèn Wood, tổn thương được quan sát rõ hơn. Bệnh hay gặp ở nữ giới từ 30-40 tuổi có làn da tối màu. Yếu tố gene (gia đình), yếu tố hormone và sự phơi nhiễm tia cực tím (tia UV) được coi là 3 nguyên nhân chính của rám má. Tỉ lệ rám má thượng bì không nhiều nhưng đáp ứng tốt với các thuốc bôi tại chỗ và peel nông (lột mặt nông), ít trường hợp phải can thiệp bằng laser.

Tàn nhang: Khởi phát từ nhỏ, chủ yếu người da sáng màu (châu Âu), bệnh mang yếu tố gene (gia đình). Tổn thương là dát tăng sắc tố màu vàng/ nâu/ đen kích thước nhỏ 2-4mm, ranh giới rõ, đối xứng 2 bên ở vùng da hở. Điều trị bằng thuốc bôi ít có hiệu quả, cần sự can thiệp của laser thẩm mỹ.

Lentigines: Gồm 2 nhóm: Lentigines đơn thuần: Dát nhỏ hơn 5mm, màu đậm hơn tàn nhang, không ưu thế vùng da hở. Lentigines solar (đồi mồi): Dát nâu đen ưu thế ở vùng da hở của người lớn tuổi.

Bệnh chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường, đặc biệt là tia UV. Do đó việc sử dụng kem chống nắng là vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh, kết hợp với laser thẩm mỹ.

Nám da - trường hợp điển hình rối loạn sắc tố da.

Nám da - trường hợp điển hình rối loạn sắc tố da.

Rối loạn tăng sắc tố trung bì

Rám má trung bì: Hay gặp hơn rám má thượng bì. Tổn thương là dát tăng sắc tố màu nâu xám, ranh giới thường không rõ, đối xứng ở má, trán, cằm. Dưới ánh sáng đèn Wood, tổn thương mờ nhạt hơn. Nguyên nhân tương tự như rám má thượng bì. Điều trị rám má trung bì khó khăn hơn rám má thượng bì do kém đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ. Chủ yếu cần sự can thiệp của laser.

Bớt Hori: Là rối loạn tăng sắc tố mắc phải ở người phương Đông do hoạt hóa tế bào sắc tố bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như tia UV, hormone, viêm. Bệnh khởi phát sớm 94,5% sau 11 tuổi. Tổn thương là dát màu nâu xám/ xanh xám dạng lốm đốm đối xứng 2 bên gò má. Điều trị thuốc bôi hầu như không có tác dụng. Laser đem lại hiệu quả cao, tỉ lệ tái phát thấp.

Tăng sắc tố Riehl: Là một dạng viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm và hóa chất. Dát tăng sắc tố màu nâu/ đen lan tỏa hoặc dạng mạng lưới, thường có tổn thương vệ tinh quanh nang lông, bong vảy nhẹ. Đôi khi dát đỏ và ngứa. Vị trí tổn thương khởi đầu ở vùng trán, thái dương, sau lan rộng ra khắp mặt. Điều trị có hiệu quả bằng laser QS Nd: YAG, IPL…

Ochronosis ngoại sinh: Là một rối loạn tăng sắc tố mắc phải, liên quan đến thuốc làm trắng tại chỗ như hydroquinon, resorcinol, phenol hoặc thuốc tiêm (thuốc kháng sốt rét quinine). Ở giai đoạn điển hình, tổn thương là sẩn màu nâu đen, phân bố dạng chấm hoặc dạng trứng cá muối caviar, thường ở mặt trong má, vùng trán, thái dương, quanh mắt, ít hơn ở quanh miệng hay cằm. Chẩn đoán xác định bằng sinh thiết tổn thương. Bệnh rất khó khăn trong điều trị, thuốc bôi tại chỗ dường như không đem lại hiệu quả. Laser cũng chỉ có tác dụng hạn chế, đôi khi phải điều trị nhiều lần.

Rối loạn tăng sắc tố hỗn hợp:

Trên lâm sàng chủ yếu gặp rám má hỗn hợp mang đặc điểm của 2 loại rám má thượng bì và trung bì. Tổn thương bao gồm dát nâu ranh giới rõ và dát xanh xám ranh giới không rõ, đối xứng 2 bên ở má, trán hoặc cằm. Điều trị rám má hỗn hợp khó hơn nhiều lần so với 2 loại rám má trên do phải kết hợp các phương pháp điều trị đơn lẻ.

BS. Vũ Thái Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-lam-gi-khi-bi-roi-loan-tang-sac-to-da-mat-n183491.html