Cần làm gì khi bị chấn thương tinh hoàn để vẫn là đàn ông?

Khi gặp bất kỳ sự cố nào với vùng dương vật, đặc biệt là khi chấn thương tinh hoàn, bạn nên đi khám nam khoa ngay để được đánh giá chính xác và biết rõ về khả năng sinh sản của mình.

Mới đây, trong lúc chơi bóng đá, một nam sinh đã bị gãy dương vật, vỡ tinh hoàn do bị cầu thủ đội bạn đá bóng vào vùng kín.

Theo Trung tâm Nam học, bệnh nhân nhập viện ngày 1/3, trong tình trạng bìu trái sưng nề, tím; tinh hoàn trái mất, cấu trúc bình thường; tinh hoàn phải đẩy lên cao và được tiến hành phẫu thuật cấp cứu.

Khi mổ ra, tinh hoàn trái của bệnh nhân này vỡ nát, tụ máu, mất hết tổ chức nhu mô lành; tinh hoàn phải dụng đập. Các bác sĩ Trung tâm Nam học đã phẫu thuật cắt tinh hoàn trái, cố định tinh hoàn phải.

Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu một trường hợp vỡ tinh hoàn. Ảnh: BVVĐ.

Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu một trường hợp vỡ tinh hoàn. Ảnh: BVVĐ.

Cần làm gì khi bị chấn thương tinh hoàn?

Chấn thương tinh hoàn (CTTH) là một trong những chấn thương bộ phận sinh dục phổ biến ở nam giới, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như khả năng tình dục.

Có đến hơn 50% trường hợp chấn thương dẫn đến vỡ tinh hoàn, gây đau, sốc, toàn vùng kín, bầm tím.

Một số trường hợp vỡ mào tinh, xoắn tinh hoàn, đứt ống dẫn tinh, tổn thương dương vật, niệu đạo. Việc chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời nhằm hạn chế tối đa những biến chứng cho chấn thương gây ra, đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản và khả năng tình dục ở nam giới.

Trả lời trên Zing, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - tư vấn: Với sự cố vỡ tinh hoàn, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở y tế chuyên khoa sâu, tốt nhất có đơn vị hỗ trợ sinh sản bởi nếu cả hai tinh hoàn bị vỡ, việc mất khả năng sinh tinh có thể xảy ra. Khi đó, các bác sĩ sẽ giúp lấy tinh trùng, trữ đông để người bệnh có con sau này.

Trường hợp vỡ một bên tinh hoàn, cũng giống như các cơ quan đôi khác trong cơ thể, chức năng của tinh hoàn sẽ bị suy giảm nhưng sẽ không mất hết. Tinh hoàn bên còn lại vẫn có thể hoạt động độc lập để bù trừ cho bên bị teo hay mất chức năng.

Nếu tinh hoàn bị vỡ đã được cắt bỏ, người bệnh hầu như không có nguy cơ vô sinh. Tuy nhiên, nếu tinh hoàn vỡ không được cắt bỏ và tự teo đi sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại. Bởi tinh hoàn teo đã trở thành vật thể lạ (kháng nguyên), cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống lại cả tinh hoàn teo và tinh hoàn lành.

Đối với một số trường hợp vỡ tinh hoàn mà không bị đụng dập nhu mô tinh hoàn, các bác sĩ có thể khâu bảo tồn. Nhưng nếu đụng dập tổ chức này, bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ để bảo tồn chức năng sinh sản cho tinh hoàn bên kia.

Tốt nhất, khi gặp bất kỳ sự cố nào với vùng dương vật, bạn nên đi khám nam khoa để được đánh giá chính xác và biết rõ về khả năng sinh sản của mình.

Tuyên Mặc

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/y-te-suc-khoe/can-lam-gi-khi-bi-chan-thuong-tinh-hoan-de-van-la-dan-ong-19210